Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dưa lưới
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao tại xã Suối Rao (huyện Châu Đức) bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen canh tác của nông dân.
Anh Nguyễn Anh Tuấn (bên trái), Chi hội trưởng nghề nghiệp giới thiệu mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao với ông Thân Xuân Động (giữa), Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức. |
Thu nhập tăng cao
Anh Nguyễn Anh Tuấn (ở thôn 1, xã Suối Rao) đã mạnh dạn đầu tư 3 nhà màng (1.500m2/nhà màng) trên diện tích hơn 6 sào đất để trồng dưa lưới. Sau gần 8 năm triển khai, mô hình không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Tuấn, mà còn tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Theo anh Tuấn, mô hình nông nghiệp công nghệ cao này đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn (khoảng 400 triệu đồng/nhà màng). Người trồng phải biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, trồng cây, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cho đến lúc thu hoạch sản phẩm.
Trong năm 2024, các cấp Hội Nông dân trong huyện Châu Đức đã phát triển 353 hội viên mới, nâng tổng số hội viên trong toàn huyện 13.715 hội viên; hỗ trợ thành lập 31 chi, tổ hội nghề nghiệp/302 thành viên và 6 HTX nông nghiệp. Tính đến nay đã có 15 tổ hợp tác, 18 HTX do Hội Nông dân tư vấn, hướng dẫn thành lập. |
“Mỗi vụ dưa lưới kéo dài từ 70-75 ngày (tùy theo giống). Dưa lưới sản xuất trong nhà màng có thể canh tác được 4 vụ/năm, năng suất đạt khoảng 7 tấn/nhà màng. Dưa lưới đang được bán với giá từ 30-40 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi hơn 50 triệu đồng/vụ/nhà màng”, anh Tuấn chia sẻ thêm.
Xã Suối Rao hiện có 10 hộ nông dân trồng dưa lưới đã liên kết thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp với diện tích canh tác hơn 6ha. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, hệ thống nhà màng đảm bảo nên cây dưa sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng dưa lưới thu hoạch của các hội viên đạt từ 6-8 tấn/nhà màng.
Nhà màng giúp bảo vệ cây trồng trước tác động của thời tiết, tạo điều kiện môi trường sinh trưởng, phát triển, năng suất cao. Trong ảnh: Nhà màng trồng dưa lưới của nông dân Nguyễn Anh Tuấn (xã Suối Rao). |
Liên kết thành lập HTX An Farm
Những năm đầu khởi nghiệp, anh Tuấn phải mua giá thể (bầu trồng dưa lưới) từ 4.000-6.000 đồng/bầu, mỗi nhà màng trồng 4.000 bầu. Trong 4 năm trở lại đây, nhờ liên tục cập nhật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất (tự mua xơ dừa, phân chuồng làm giá thể) nên anh Tuấn giảm được chi phí khoảng 1.500 đồng/bầu, kiểm soát sâu bệnh tốt hơn. Đặc biệt, giảm tới 70% lượng thuốc BVTV trên cây trồng, tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn, mẫu mã đẹp, độ đồng đều cao mà vẫn tăng năng suất.
Dưa lưới Suối Rao đã có mặt trên hệ thống phân phối đa kênh gồm chợ đầu mối, các đại lý bán sỉ, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Không chỉ bao tiêu sản phẩm cho thành viên chi hội, anh Tuấn còn liên kết bao tiêu sản phẩm cho nhiều nông dân các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận.
Hiệu quả của Chi hội dưa lưới Suối Rao không dừng lại ở doanh số mà còn ở quy mô phát triển, cũng như tính lan tỏa của mô hình kinh tế tập thể. Hội Nông dân huyện đã hoàn tất hồ sơ để hỗ trợ các nông hộ liên kết thành lập HTX An Farm, hướng tới xây dựng thương hiệu cho loại cây trồng này.
“Để nâng tầm giá trị sản phẩm dưa lưới Suối Rao, bà con nông dân rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng, nhất là việc tập hợp sản xuất theo các quy trình tiêu chuẩn như VietGAP, hữu cơ, vốn đầu tư sản xuất…”, ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho hay.
Bài, ảnh: NGỌC LINH