.

Vướng thẻ vàng IUU, doanh nghiệp mất dần thị trường EU

Cập nhật: 18:02, 20/10/2024 (GMT+7)

Cảnh báo “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu (EC) trong 7 năm qua đang làm các DN chế biến thủy sản mất dần thị trường Liên minh châu Âu (EU) và hệ lụy là ảnh hưởng đến cả ngành thủy sản.

Nhiều DN đã mất thị trường EU vì vướng “thẻ vàng” IUU. Trong ảnh: Người lao động Sơ chế bạch tuộc xuất khẩu ở Công ty CP Thủy sản Cỏ May (TP.Vũng Tàu).
Nhiều DN đã mất thị trường EU vì vướng “thẻ vàng” IUU. Trong ảnh: Người lao động Sơ chế bạch tuộc xuất khẩu ở Công ty CP Thủy sản Cỏ May (TP.Vũng Tàu).

Doanh nghiệp thiệt hại nặng

Cuối năm 2017, Việt Nam bị cảnh báo “thẻ vàng” IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) của EC. Từ đó đến nay, các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản mất dần thị trường này, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí có DN phải tạm dừng sản xuất.

Ông Nguyễn Quốc Hương, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cỏ May cho biết từ khi bị “thẻ vàng” IUU, sản lượng hàng hải sản xuất khẩu sang EU giảm mạnh, đến tháng 7/2023 đã không còn nữa. Nguyên nhân là do ngư dân không tuân thủ quy định chống khai thác IUU nên các cảng cá và Chi cục Thủy sản không cấp được giấy xác nhận nguyên liệu và chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác cho DN xuất khẩu qua thị trường EU.

“Mất thị trường EU đồng nghĩa chúng tôi mất 60% doanh thu, khiến hàng trăm lao động mất việc. Hơn một năm DN phải hoạt động cầm chừng và trầy trật tìm kiếm thị trường khác thay thế. Nếu chúng ta không gỡ được “thẻ vàng” trong lần thanh tra sắp tới của EC, DN sẽ gặp muôn vàn khó khăn, ảnh hưởng đến thị trường khác và ngành thủy sản cả nước”, ông Hương đánh giá.

Cảnh báo “thẻ vàng” đã khiến doanh thu của các DN chế biến thủy sản xuất khẩu sang châu Âu sụt giảm nghiêm trọng. Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood), sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng” IUU, thị trường xuất khẩu hải sản của công ty qua EU đã “teo tóp” dần, đến nay chỉ còn 10% với mục đích giữ cầm chừng thị trường với vài bạn hàng truyền thống, lâu năm không bỏ được.

Ông Dũng cho biết thêm, tỉnh đang chấn chỉnh, siết chặt, xử lý nghiêm tàu cá vi phạm chống khai thác IUU nên những tàu cá nào không thỏa quy định IUU, cảng cá sẽ không cấp giấy xác nhận nguồn gốc hải sản. “DN dù gặp khó khăn, thậm chí mất thị trường cũng quyết tâm chấp hành nghiêm túc”, ông Dũng khẳng định.

Cảng cá siết chặt quản lý

Không chỉ DN, các cảng cá cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng “thẻ vàng” IUU. Các cảng siết chặt quản lý, tàu cá không đáp ứng quy định chống khai thác IUU sẽ không cho xuất bến hoặc cập bến. Doanh thu từ đó cũng sụt giảm nghiêm trọng.

Công ty Baseafood cũng đang mất dần thị trường EU, hiện chỉ còn 10% thị phần. Trong ảnh: Người lao động sơ chế hải sản xuất khẩu ở Công ty Baseafood 1 (TP.Bà Rịa).
Công ty Baseafood cũng đang mất dần thị trường EU, hiện chỉ còn 10% thị phần. Trong ảnh: Người lao động sơ chế hải sản xuất khẩu ở Công ty Baseafood 1 (TP.Bà Rịa).

Ông Trương Văn Sanh, Phó Giám đốc Cảng Cát Lở (TP.Vũng Tàu) cho biết, năm 2023, số lượng tàu cá xuất bến và cập cảng bốc dỡ hải sản qua cảng giảm 50% so với năm 2022. Đến năm 2024, số lượng tàu xuất, nhập bến tiếp tục giảm thêm 70% so với năm 2023. Doanh thu của cảng cá cũng giảm theo tỷ lệ thuận tương ứng. Tương tự, từ năm 2022 đến nay, cảng cá Tân Phước (huyện Long Điền) cũng có sản lượng cá bốc dỡ qua cảng và doanh thu sụt giảm mỗi năm từ 50-70%.

Nguyên nhân là do phần lớn các tàu cá gửi hoặc bán hải sản cho tàu vận tải sau vài ngày đánh bắt/lần để chuyển cá về đất liền được tươi ngon. Tàu cá tiếp tục ở lại biển đánh bắt, đến 3-4 tháng, thậm chí nửa năm, 1 năm mới về cảng. “Ngoài ra còn do các tàu cá “né” không về cảng chỉ định có kiểm tra chống khai thác IUU nghiêm ngặt, để vào cảng tự phát hoặc cập cảng ngoài tỉnh”, ông Sanh nói.

Sản lượng cá bốc dỡ qua cảng ít nên nhu cầu DN cần giấy xác nhận nguyên liệu hải sản khai thác để xuất khẩu qua EU cũng ít dần đi. Từ năm 2023 đến nay, cảng cá Tân Phước không cấp được giấy xác nhận nguyên liệu hải sản khai thác nào để các DN làm giấy chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác xuất khẩu qua thị trường EU. Cảng cá Cát Lở cũng không cấp được giấy nào trong năm 2024.

Mặc dù doanh thu giảm mạnh nhưng các cảng cá vẫn thực hiện nghiêm túc các quy định chống khai thác IUU từ việc tàu cá phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, khi đi biển không đánh bắt sai vùng, sai ngành nghề, vượt ranh giới qua vùng biển nước ngoài, ghi nhật ký khai thác đúng và đủ, đến việc tàu cá bán hải sản cho nậu vựa, DN thu mua, vận tải, rồi nậu vựa bán cho DN chế biến thủy sản phải có hợp đồng, hóa đơn hợp lệ.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, 9 tháng năm 2024, số lượng giấy chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác xuất khẩu (C/C) mà Chi cục Thủy sản cấp cho DN là bằng 0, tương ứng tỉnh không có sản lượng hải sản xuất khẩu qua thị trường EU.

“Khi tàu cá và DN thu mua, nậu vựa thỏa đầy đủ các yêu cầu này theo quy định chống khai thác IUU, chúng tôi mới cấp giấy chứng nhận nguyên liệu hải sản khai thác cho DN xuất khẩu”, ông Nguyễn Bình Vân, Giám đốc Cảng cá Tân Phước giải thích.

Tác động của “thẻ vàng” IUU ảnh hưởng đến DN và cả ngành thủy sản là rất lớn. Một số thị trường lớn khác như Nhật Bản, Mỹ cũng bắt đầu có dấu hiệu áp tiêu chuẩn quy định chống khai thác IUU vào điều kiện nhập khẩu hải sản. “Do đó, yêu cầu cấp bách hiện nay là toàn ngành, từ ngư dân đến cơ quan chức năng phải thay đổi nhận thức, phương thức đánh bắt và quản lý, thực hiện nghiêm các quy định chống khai thác IUU, chung tay cùng ngư dân cả nước gỡ “thẻ vàng” trong lần thanh tra sắp tới của EC”, bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT nhận định.

Bài, ảnh: NGỌC MINH

.
.
.