.

Đại công trường Bà Rịa-Vũng Tàu - Dấu ấn của nhiệm kỳ Đại hội VII - Kỳ cuối: Tạo động lực, mở không gian phát triển mới

Cập nhật: 18:20, 18/10/2024 (GMT+7)

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Mỗi con đường được đưa vào hoạt động sẽ mở ra không gian phát triển mới, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, phát huy tiềm năng của tỉnh trong tương lai gần.

Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đã thành hình sau hơn 1 năm thi công, dự kiến thông xe kỹ thuật vào ngày 30/4/2025.
Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đã thành hình sau hơn 1 năm thi công, dự kiến thông xe kỹ thuật vào ngày 30/4/2025.

Đường mở đến đâu, kinh tế phát triển đến đó

Các chuyên gia kinh tế nhận định, các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An và đường ven biển ĐT994 được xem là những “động mạch chủ” quan trọng nhất làm nên sự thịnh vượng cho Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong tương lai gần.

Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó. Nhiều khu đô thị, KCN, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả và đặc biệt là giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, lưu thông hàng hóa, tiết kiệm thời gian và công sức. Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu khi đưa vào sử dụng sẽ giúp rút ngắn thời gian chạy xe từ TP.Hồ Chí Minh đến Bà Rịa-Vũng Tàu còn khoảng 70 phút, thay vì 150 phút, đồng thời khắc phục tình trạng thường xuyên ùn tắc như hiện nay.

Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu cũng sẽ kết nối với cao tốc TP.Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây hiện hữu; kết nối với các dự án đang triển khai như cao tốc Bến Lức (Long An)-Long Thành, tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành… Điều này sẽ góp phần khai thác tối đa hiệu quả cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, đồng thời mở ra không gian phát triển mới, phát huy được tiềm năng của tỉnh trong tương lai gần.

Cụ thể, với những dự án đang được triển khai quyết liệt, trong khoảng 5 năm tới, Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá sở hữu mạng lưới giao thông hiện đại, đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối, giảm chi phí logistics và thúc đẩy xuất nhập khẩu nhờ tận dụng tối đa lợi thế đặc biệt của tỉnh, đó là cụm cảng Cái Mép-Thị Vải.

Công nhân thi công dự án cầu Phước An.
Công nhân thi công dự án cầu Phước An.

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những cảng biển nước sâu hàng đầu Đông Nam Á. Hạ tầng giao thông kết nối cảng đang được tỉnh đầu tư mạnh mẽ sẽ trở thành “chìa khóa” để tăng cường lưu thông hàng hóa, thu hút các tuyến hàng hải quốc tế và hình thành các trung tâm logistics hiện đại.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ (chủ đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3), từ lâu, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đã trở thành một lợi thế cạnh tranh lớn của tỉnh. Trong thời gian ngắn nữa, hệ thống giao thông của tỉnh được kết nối đồng bộ với các địa phương trong khu vực, sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhiều DN đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư vào các KCN và cảng biển mới, tận dụng hệ thống giao thông hiện đại để nâng cao hiệu quả logistics và xuất khẩu. “Nhiều DN cũng định hướng phát triển các dịch vụ liên quan đến vận tải, du lịch và thương mại nhờ lợi thế giao thông”, bà Thảo Nhi nhận định.

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam cũng cho rằng, hệ thống cảng biển hiện đại và các tuyến đường kết nối thuận lợi sẽ “cộng hưởng”, giúp Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm logistics hàng đầu, phục vụ cho cả thị trường nội địa và quốc tế. Sự phát triển của ngành logistics sẽ kéo theo sự gia tăng của các dịch vụ liên quan, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân.

Trong thời gian tới, công tác triển khai các dự án giao thông kết nối của tỉnh được dự báo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có khâu giải phóng mặt bằng. Do đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, đột phá, huy động mọi nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân, bảo đảm các dự án được triển khai kịp thời, phục vụ cho sự phát triển của địa phương.

 

Mở ra không gian phát triển mới

Theo quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt, tỉnh sẽ phát triển theo 3 trục, gồm: 

Thứ nhất, trục kinh tế động lực công nghiệp-cảng biển Cái Mép-Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và QL51, tập trung phát triển hệ thống cảng biển loại đặc biệt quốc gia, chức năng cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế.

Thứ hai, trục kinh tế động lực công nghiệp-logistics dọc cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp-dịch vụ-đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ. Phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, đô thị dịch vụ mới tại Cù Bị và Suối Nghệ (huyện Châu Đức); khu logistics dọc đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh; các trung tâm logistics cấp tỉnh tại huyện Châu Đức.

Thứ ba, trục kinh tế động lực du lịch ven biển dọc đường ĐT994 và đường nối vào cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu với hệ thống các đô thị du lịch ven biển: Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu, các khu du lịch phức hợp khai thác tài nguyên biển, rừng.

Hạ tầng giao thông kết nối cảng đang được đầu tư mạnh mẽ sẽ là “chìa khóa” để tăng cường lưu thông hàng hóa, thu hút các tuyến hàng hải quốc tế và hình thành các trung tâm logistics hiện đại. Trong ảnh: Tàu trọng tải lớn cập cảng Gemalink.
Hạ tầng giao thông kết nối cảng đang được đầu tư mạnh mẽ sẽ là “chìa khóa” để tăng cường lưu thông hàng hóa, thu hút các tuyến hàng hải quốc tế và hình thành các trung tâm logistics hiện đại. Trong ảnh: Tàu trọng tải lớn cập cảng Gemalink.

Ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu cho rằng, những con đường huyết mạch sẽ mở ra cơ hội phát triển cho các địa phương, trong đó có các huyện, thị xã, thành phố ven biển của tỉnh. “Việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm như đường nối cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường ven biển Vũng Tàu-Bình Thuận là dịp để chúng tôi nhìn ra cơ hội, cách tiếp cận khác đối với du khách để hiện thực hóa mục tiêu đưa Vũng Tàu trở thành đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế theo Quy hoạch tỉnh đề ra”, ông Trần Đình Khoa nhận định.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ khẳng định, các dự án giao thông được triển khai không chỉ tạo ra động lực mà còn mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương của Bà Rịa-Vũng Tàu. Các dự án này sẽ tạo ra dư địa mới, “tương lai mới” cho tỉnh, không chỉ thúc đẩy kinh tế, văn hóa-xã hội phát triển, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo quốc phòng-an ninh.

Không những vậy, hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ được kỳ vọng tạo thêm động lực giúp Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm kinh tế, công nghiệp và du lịch hàng đầu khu vực. Sự phát triển toàn diện này không chỉ mang lại lợi ích cho tỉnh mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN-QUANG VINH

 
.
.
.