Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử

Thứ Tư, 26/06/2024, 18:06 [GMT+7]
In bài này
.

Đây là vấn đề được bàn thảo tại hội nghị kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) và thúc đẩy liên kết thị trường tiêu thụ các sản phẩm địa phương trên sàn TMĐT do Sở Công thương phối hợp với Trung tâm Phát triển TMĐT tổ chức ngày 26/6.

Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách Trung tâm Phát triển thương mại điện tử chia sẻ các nội dung liên quan đến kinh doanh TMĐT tại hội nghị.
Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách Trung tâm Phát triển thương mại điện tử chia sẻ các nội dung liên quan đến kinh doanh TMĐT tại hội nghị.

Tại chương trình, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách Trung tâm Phát triển thương mại điện tử thông tin, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tăng thêm khoảng 4 tỷ USD (tăng 25%) so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD.

Kết quả này cho thấy, TMĐT ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Nhiều DN cũng đã tận dụng tốt cơ hội kinh doanh trên sàn TMĐT. Theo ông Trần Văn Thuần, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp - Dược liệu Thuần Dương (huyện Xuyên Mộc) cho biết, DN đã có 4 năm kinh doanh các mặt hàng nông sản, dược liệu của DN trên các trang mạng xã hội. Ngoài kinh doanh trực tiếp, tham gia kết nối tại các hội chợ, việc kinh doanh online giúp giới thiệu được sản phẩm đến nhiều đối tượng khách hàng hơn, mở rộng được thị trường và tăng doanh thu khoảng 25%.

“Mặc dù kinh doanh online mang lại hiệu quả nhưng DN ngoài đầu tư xây dựng chiến lược, tận dụng tối ưu công cụ trong quảng cáo, giới thiệu sản phẩm cũng cần minh bạch thông tin sản phẩm, quy trình sản xuất. Có như vậy mới tạo được lòng tin cho khách hàng”, ông Thuần thông tin.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, sàn TMĐT đang trở thành xu hướng phổ biến và ngày càng thu hút sự tham gia của nhiều DN. Để TMĐT phát triển bứt phá hơn nữa trong năm 2024 và những năm tiếp theo, DN cũng cần nâng cao nhận thức về lĩnh vực TMĐT, tăng cường đầu tư các thiết bị cần thiết để có thể ứng dụng thương mại và công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh, xây dựng chính sách, chiến lược kinh doanh cụ thể và đa dạng về hình thức bán hàng, phương thức thanh toán, chính sách chăm sóc khách hàng... Qua đó, giúp DN phát triển trong thị trường TMĐT ngày càng khốc liệt và cạnh tranh như ngày nay.

Về phía cơ quan Nhà nước, Sở Công thương tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng kinh doanh TMĐT; xây dựng cơ chế hỗ trợ, triển khai các đề án hỗ trợ DN xúc tiến TMĐT, khuyến khích các DN tham gia vào thị trường TMĐT; kết nối sàn TMĐT đang hoạt động mạnh trong và ngoài tỉnh nhằm đẩy mạnh hiệu quả của ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong năm 2024 cũng như cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.