Phát triển kinh tế số thực chất, hiệu quả

Thứ Tư, 24/04/2024, 18:33 [GMT+7]
In bài này
.

Phát triển kinh tế số là đòi hỏi khách quan, yêu cầu bắt buộc trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Chương trình này cũng phải gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ. Qua đó, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều giải pháp phát triển doanh nghiệp số. Trong ảnh: Các đại biểu tham quan, nghe giới thiệu sản phẩm chuyển đổi số tại hội thảo do tỉnh tổ chức vào cuối năm 2023.
Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều giải pháp phát triển doanh nghiệp số. Trong ảnh: Các đại biểu tham quan, nghe giới thiệu sản phẩm chuyển đổi số tại hội thảo do tỉnh tổ chức vào cuối năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, sáng 24/4.

Chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực

Tại phiên họp, báo cáo và các ý kiến thảo luận đều thống nhất, từ đầu năm 2024, công tác chuyển đổi số quốc gia đạt được nhiều kết quả tích cực.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao. Thể chế, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện, tạo khuôn khổ, điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia. Hạ tầng, các nền tảng số tiếp tục được phát triển. Toàn bộ địa phương cấp xã có kết nối Internet băng thông rộng, kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Nhà nước.

Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia kết nối với 388 hệ thống và cơ sở dữ liệu của 95 cơ quan, đơn vị. Trung tâm Dữ liệu quốc gia đang được tích cực triển khai; hoàn thành đấu giá băng tần 5G, cấp phép cho DN kinh doanh dịch vụ 5G.

Đã có hơn 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip được cấp; 54 triệu tài khoản được kích hoạt; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin. Đến nay có gần 14,6 triệu tài khoản và hơn 46,2 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 12.900 tỷ đồng.

Kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển tích cực. Trong quý I/2024, doanh thu công nghiệp CNTT đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ; xuất khẩu sản phẩm CNTT đạt 31 tỷ USD, tăng 17%. Hiện có 8,2 triệu khách hàng sử dụng Mobile money, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; trong đó hơn 5,8 triệu khách hàng tại vùng nông thôn, miền núi.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, quý I/2024, tỉnh ban hành Kế hoạch thúc đẩy phát triển DN công nghệ số trên địa bàn và Kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 50 DN công nghệ số có đủ năng lực phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; triển khai các nền tảng số hỗ trợ DN nhỏ và vừa; tối thiểu 60% DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; trên 80% sản phẩm thuộc Chương trình OCOP có mặt trên các sàn thương mại điện tử.

Kinh tế số gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả đạt được. “Chuyển đổi số đã "đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và DN”, Thủ tướng nói.

Về quan điểm phát triển kinh tế số, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phải bám sát tình hình thực tế, quán triệt, hiện thực hóa, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy chuyển số quốc gia nói chung, phát triển kinh tế số nói riêng thực chất, hiệu quả. Huy động sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng DN.

Đây là đòi hỏi khách quan, yêu cầu bắt buộc trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam phù hợp xu thế phát triển hiện nay. Phát triển kinh tế số phải gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đồng thời, là một quá trình liên tục, bền bỉ, không ngừng nghỉ, không có điểm dừng. Cả nước cần phải đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược, tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư để bắt cùng, tiến kịp và vượt lên so với khu vực, thế giới.

Phát triển kinh tế số phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh và năng suất lao động, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Phát triển kinh tế số phải toàn diện, ưu tiên chất lượng hơn số lượng; kết hợp đồng bộ, hiệu quả phát triển hạ tầng số, dịch vụ số, dữ liệu số, kỹ năng số, thể chế số và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng DN, kinh tế số của nước ta sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.