Khơi thông nguồn vốn tín dụng cho Hợp tác xã

Thứ Ba, 23/04/2024, 18:26 [GMT+7]
In bài này
.

Đến cuối tháng 2/2024, dư nợ cho vay đối với gần 1.200 hợp tác xã (HTX), Liên hiệp hợp tác xã (LHHTX) đạt 6.043 tỷ đồng, giảm 1,68% so với cuối năm 2023.

Mô hình trồng rau thủy canh HTX Nông nghiệp- Thủy sản Côn Đảo. Ảnh: ĐINH HÙNG
Mô hình trồng rau thủy canh HTX Nông nghiệp- Thủy sản Côn Đảo. Ảnh: ĐINH HÙNG

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến toàn quốc về “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”, do Liên minh HTX Việt Nam và NHNN Việt Nam đồng tổ chức, diễn ra sáng 23/4. Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Dư nợ cho vay giảm

Theo báo cáo tổng quan về tình hình hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, tính đến hết năm 2023, cả nước có hơn 30 ngàn HTX, 137 Liên minh HTX và hơn 71 ngàn tổ hợp tác.

Đến nay, đã có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; hơn 4.300 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản…

Số liệu từ NHNN cũng cho biết, đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với HTX, Liên hiệp hợp tác xã đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023 cho gần 1.200 HTX, Liên hiệp HTX.

Tại Bà Rịa- Vũng Tàu, tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 472 tổ hợp tác và 179 HTX. Bình quân doanh thu HTX đạt 1,9 tỷ đồng/năm, lợi nhuận HTX đạt 170 triệu đồng/năm. Hoạt động sản xuất của các HTX trong tỉnh phát triển theo xu hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, bảo đảm bền vững.

Từ năm 2021 đến năm 2023, Quỹ hỗ trợ kinh tế tập thể thuộc Liên minh HTX tỉnh trợ vốn cho 14 HTX với tổng số tiền là 5,2 tỷ đồng.

Tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn đối với HTX

Trên thực tế, thời gian qua, để hỗ trợ HTX phát triển, NHNN thường xuyên rà soát để không ngừng hoàn thiện quy định về hoạt động cho vay. Trong đó, loại hình kinh tế hợp tác, HTX được bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng.

Ngoài các chính sách ưu đãi thực hiện tại các Ngân hàng thương mại, các HTX, thành viên HTX còn được vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua khoảng 28 chương trình tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, nhìn chung tín dụng đối với HTX còn thấp.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể, hiện khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng của kinh tế tập thể chủ yếu xuất phát từ điều kiện nội tại của các HTX chưa đáp ứng các điều kiện tín dụng.

Do đó, cần phải có các giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía đối với HTX, kể cả cơ chế, chính sách hỗ trợ, các quy định hướng dẫn để thực hiện Luật HTX có hiệu lực từ 1/7/2024; các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước như Quỹ phát triển HTX, các chính sách về công nghệ, phát triển thị trường trong, ngoài nước.

Về phía ngành ngân hàng, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX, thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản và phù hợp với đối tượng khách hàng là các HTX.

PHAN HÀ

;
.