Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, phong trào “trồng cây, gây rừng” đã lan tỏa khắp các địa phương. Nhờ đó, hàng trăm ha đất trống đã được phủ xanh.
Cán bộ, công nhân Công ty CP Phát triển công viên cây xanh và đô thị tham gia trồng rừng tại rừng Bình Châu-Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc). |
Phát triển không gian xanh
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác “trồng cây, gây rừng” nên ngay từ khi đầu tư dự án tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) và công ty mẹ là SCG Chemicals (SCGC) đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm phát triển không gian xanh.
Theo đó, LSP và SCGC đã trồng 300 cây xanh dọc các tuyến đường vào khu phức hợp LSP để tạo bóng mát và cảnh quan; trồng 400 cây xanh ở khu vực núi Núi Lớn (TP.Vũng Tàu)… LSP cũng phối hợp với các nhà thầu đóng góp cho dự án bằng cách trồng hơn 1.300 cây xanh. Mục tiêu của LSP và SCGC là phối hợp cùng UBND TP.Vũng Tàu trồng 3.405 cây xanh trên toàn địa bàn thành phố.
Trong khi đó, phong trào trồng rừng tại các địa phương cũng đang được lan tỏa mạnh mẽ. TP.Vũng Tàu là một trong những địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn của tỉnh với 3.380ha. Năm 2023 vừa qua, TP.Vũng Tàu thực hiện trồng nâng cao chất lượng rừng tại Núi Lớn-Núi Nhỏ, tạo cảnh quan rừng bền vững, kết hợp tăng cường độ tàn che rừng, mục tiêu tỷ lệ cây thường xanh chiếm 60% chủ yếu gồm các loài cây gỗ thường xanh, cây hoa thân gỗ lâu năm, thích nghi tốt trên đất núi đá, môi trường đô thị. Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, tính đến hết năm 2023, tổng diện tích trồng nâng cao chất lượng rừng của TP.Vũng Tàu đạt 26ha với nhiều loại cây trồng phong phú như: trôm, dầu lông, đa lá trơn, bồ đề, lim xẹt, phượng vỹ, thông caribea, chiêu liêu, cẩm liên, cám rừng, bằng lăng…
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã trồng được 523,05ha rừng sản xuất với loài cây chủ yếu là keo lai. Theo phương án quản lý rừng bền vững của các đơn vị chủ rừng thì năm 2024, tỉnh có kế hoạch trồng 529ha trong đó trồng 510ha (keo lai) rừng sản xuất; 19ha (Gõ đỏ, giáng hương, xà cừ, bằng lăng...) rừng phòng hộ. Năm 2025 trồng 10ha rừng phòng hộ và 500ha rừng sản xuất.
Ngày Quốc tế về rừng, viết tắt là IDF (International Day of Forests)-ngày 21/3 là ngày hành động quốc tế được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua ngày 28/11/2012. Hàng năm, nhiều sự kiện được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các loại rừng, cây rừng, vì lợi ích của thế hệ hiện tại và tương lai. |
Bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, rừng có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của con người cũng như môi trường: cung cấp nguồn gỗ, củi, điều hòa, tạo ra oxy, điều hòa nước, là nơi cư trú động thực vật và tàng trữ các nguồn gen quý hiếm, bảo vệ và ngăn chặn gió bão, chống xói mòn đất, đảm bảo cho sự sống, bảo vệ sức khỏe con người… Những năm qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã dành nhiều kinh phí cho các hoạt động bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng. Nhờ đó, diện tích rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, các hệ sinh thái dưới nước và trên cạn ngày càng phát triển theo hướng đa dạng, phong phú.
Theo kết quả cập nhật theo dõi diễn biến rừng và công bố hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh năm 2023 được UBND tỉnh phê duyệt ngày 12/3/2024 thì tổng diện tích đất có rừng và chưa thành rừng trên địa bàn tỉnh là 33.553,67ha, trong đó có 16.626,97ha diện tích rừng tự nhiên; 12.077,03ha diện tích rừng trồng và 4.849,67ha diện tích khoanh nuôi tái sinh và diện tích khác. Theo kế hoạch, dự kiến đến hết năm 2025 toàn tỉnh sẽ trồng mới 10 triệu cây xanh, phân bố tại cả khu vực đô thị và nông thôn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn…
Mặc dù diện tích rừng trên địa bàn tỉnh không lớn nhưng có điều kiện lập địa, hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều hệ sinh thái đặc trưng như: rừng ngập mặn, rừng ngập phèn, rừng trên cạn. Các hệ sinh thái tự nhiên có giá trị cao về đa dạng sinh học rừng, đất ngập nước và biển, rất thuận lợi cho việc hình thành các loại hình du lịch sinh thái.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có một số khu vực rừng là nơi căn cứ địa cách mạng trong chiến tranh, là nơi lý tưởng để tổ chức các hoạt động tham quan, nghỉ dưởng, nghiên cứu, học tập xã hội như: khu vực núi Minh Đạm, núi Dinh, rừng Di tích Xà Bang....
Bài, ảnh: QUANG VŨ