Giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Thứ Sáu, 08/03/2024, 16:33 [GMT+7]
In bài này
.

Các chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang được triển khai quyết liệt, đem lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Sáng 8/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp thứ 5 Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021-2025 với sự tham dự của các bộ, ban, ngành Trung ương.

Phiên họp còn được kết nối trực tuyến với điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thừa ủy quyền Thường trực UBND tỉnh, ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở NN-PTNT tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bộ mặt nông thôn đổi thay 

Hiện nay, cả nước có 3 CTMTQG bao gồm: xây dựng nông thôn mới (NTM); phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững.

Hệ thống điện hạ thế tại xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ được xây dựng thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số giúp nâng cao chất lượng đời sống người dân nơi đây.
Hệ thống điện hạ thế tại xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ được xây dựng thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số giúp nâng cao chất lượng đời sống người dân nơi đây.

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo các CTMTQG và các địa phương quyết liệt triển khai, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn CTMTQG. Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao hơn 49.560 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương năm 2023 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện các CTMTQG.

Đến ngày 31/12/2023, tất cả các địa phương đã giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 của 3 CTMTQG đến các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc. Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao hơn 47.600 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện các CTMTTQ; trong đó, 27.220 tỷ đồng là nguồn đầu tư phát triển.

Cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 17,1 tiêu chí/xã; có 280 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 2,93%, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tổng nguồn vốn thực hiện 3 CTMTQG trên địa bàn năm 2023 hơn 5.490 tỷ đồng. Trong đó, chương trình xây dựng NTM gần 5.080 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững gần 254,5 tỷ đồng; chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số gần 160,5 tỷ đồng. Kết quả, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 47 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 100%; 31 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt tỷ lệ 65,9%.

Toàn tỉnh có 6 đơn vị cấp huyện (huyện Đất Đỏ, Long Điền, Châu Đức, Xuyên Mộc, TX.Phú Mỹ, TP.Bà Rịa) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn (hoặc hoàn thành nhiệm vụ) nông thôn mới, đạt 75%.

Quang cảnh xã Kim Long, huyện Châu Đức, một địa phương đang phát triển từng ngày nhờ CTMTQG xây dựng NTM.
Quang cảnh xã Kim Long, huyện Châu Đức, một địa phương đang phát triển từng ngày nhờ CTMTQG xây dựng NTM.

Tổng số hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh đầu năm 2023 là 4.861 hộ chiếm tỷ lệ 1,51% so với tổng số hộ dân. Tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương.

Qua việc triển khai các chính sách giảm nghèo, đến ngày 10/12/2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 0,35% (tương đương 1.139 hộ), vượt 1,1% so với kế hoạch đề ra (Nghị quyết của HĐND tỉnh là 1,45%).

Tỷ lệ thôn (ấp) đông đồng bào dân tộc sinh sống có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 97,75%. Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,77%. Hộ đồng bào sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó hộ sử dụng nước máy đạt 78,86%). Nhà ở đồng bào ngày càng rộng rãi, khang trang, kiên cố hơn. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững. Đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Hoàn thiện cơ chế để khơi thông nguồn lực

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, trong năm 2023, Ban Chỉ đạo Trung ương quyết liệt chỉ đạo, điều hành để thúc đẩy việc triển khai giải ngân vốn các CTMTQG. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai thực hiện, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, yêu cầu các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

Thời gian tới, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục tập trung tuyên truyền về CTMTQG nhằm tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện; phát huy vai trò UBMTTQ Việt Nam tỉnh, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị trong triển khai các CTMTQG. Bên cạnh đó, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ, những người trực tiếp tham gia, triển khai các CTMTQG tại địa bàn cơ sở; bảo đảm các chính sách đến đúng với các đối tượng được thụ hưởng.
(Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh)

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, dù đã đạt được những kết quả quan trọng khi từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nguồn vốn giải ngân được khoảng 65%, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn cần sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, một số vấn đề liên quan đến việc ban hành và triển khai văn bản còn chậm, chưa phù hợp với thực tiễn của một số địa phương. Nguồn đối ứng cho các CTMTQG của các địa phương còn hạn chế.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; chủ động, kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện để báo cáo các cấp có thẩm quyền. “Các địa phương cần giao nhiệm vụ cụ thể cho cá nhân phụ trách, tránh đầu tư dàn trải các dự án thuộc CTMTQG. Các bộ, ngành và địa phương cần tích cực thông tin, trao đổi với triển khai thực hiện các CTMTQG”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.