Đến 26 tháng Chạp âm lịch, những chiếc tàu muộn cuối cùng đã về bến. Lộc biển cuối năm mang nụ cười đến cho ngư dân, sau một năm đầy gian khó.
Chuyến biển cuối năm, tàu ông Ngô Văn Bé (Cảng Tân Phước, huyện Long Điền) đánh bắt được khoảng 7 tấn cá. |
Trong 2 ngày 4 và 5/2, các tàu cá có công suất lớn, đánh bắt xa bờ chuyến cuối cùng lần lượt cập Cảng Incomap, Bến Đá, Cát Lở… TP.Vũng Tàu với tôm, cá đầy khoang.
Các thuyền viên trên “đội tàu 66” (2 số cuối số hiệu tàu) của ông Nguyễn Đình Ngọc (phường 2, TP.Vũng Tàu) ai nấy đều vui vẻ, hài lòng với thành quả của chuyến biển cuối năm này. Và cũng bởi, họ sắp về sum vầy đón Tết cùng gia đình, kết thúc hành trình một năm đi biển đầy gian khổ.
Lộc biển cuối năm khiến Cảng Incomap nhộn nhịp tiếng người cười nói rộn ràng. Các thuyền viên thoăn thoắt chuyển hàng ngàn khay cá, mực từ hầm cá lên bờ. Các chị, mẹ, nhanh tay lựa, phân loại cá, bạn hàng thì đứng kế bên cân cá và vận chuyển lên xe. Từng khay cá thu, cá ngừ tươi rói, còn óng ánh ánh bạc được chuyển lên xe đi khắp nơi, về chợ hải sản Vũng Tàu, lên TP.Hồ Chí Minh, đến công ty để chế biến xuất khẩu…
Các tàu của ông Nguyễn Đình Ngọc có công suất từ 800-1.000CV, chuyên đánh bắt xa bờ nghề lưới rê các loại cá thu, cá ngừ, cá cờ,…một chuyến đi biển kéo dài 2-3 tháng. Ông Nguyễn Đình Ngọc cho biết, năm nay ông áp dụng công nghệ đá sệt để bảo quản hải sản trên tàu cá. Đá sệt ở thể lỏng, dạng bùn thẩm thấu vào từng khe hở nhỏ nhất, bao chặt đông lạnh con cá 100%, giúp tăng độ tươi cho cá khi vào bờ, nhờ đó giá bán cũng tăng lên.
Chuyến biển cuối năm này, đội tàu của ông Ngọc đi hơn 2 tháng, thu được khoảng 10 tấn cá/tàu. Do về muộn, cận Tết, cá khan hiếm nên giá bán cao hơn ngày thường 40-50%. Doanh thu mỗi tàu được gần 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận còn lại hơn 600 triệu đồng. Mỗi thuyền viên được chia khoảng 27 triệu đồng về quê ăn Tết.
Tại cảng Cát Lở, hai tàu của ông Nguyễn Quốc Dũng (phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) cũng đã vào bờ. Ông có 4 tàu đánh bắt xa bờ, chuyên nghề bẫy bạch tuộc. Chuyến biển cuối năm, mỗi tàu của ông đánh bắt được 5 tấn bạch tuộc. Hai tàu trước vào sớm hơn, giá bán bạch tuộc chỉ được 90 ngàn đồng/kg, doanh thu 360 triệu đồng/tàu, vừa đủ trừ phí tổn.
Chuyến biển cuối năm, tàu ông Nguyễn Đình Ngọc (Cảng Incomap, TP.Vũng Tàu) trúng hơn 10 tấn cá. |
Hai tàu này về trễ hơn, trong khi hầu hết ghe tàu đã vào bờ, nguồn cung thiếu nên giá bán tăng lên 110-120 ngàn đồng/kg. Mỗi tàu đánh bắt được khoảng 5 tấn bạch tuộc, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. “Đây là chuyến biển có lợi nhuận cao nhất trong năm qua, nhờ đó bạn ghe cũng được chia thêm 6-7 triệu đồng/người về quê ăn Tết. Các chuyến khác trong năm lợi nhuận cao nhất chỉ được 50 triệu đồng/tàu, sau khi trừ chi phí tu bổ tàu thì chẳng còn lại bao nhiêu”, ông Dũng cho biết.
Trước đó, các tàu có công suất thấp hơn, tàu nhỏ, tàu lưới kéo đã vào bờ từ giữa hoặc cuối tháng 1/2024 do năm nay thời tiết chuyển lạnh sớm, gió lớn không có cá. Ông Ngô Văn Bé (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết, tàu ông đã vào bờ tránh gió ngày 12/1, tưởng nghỉ Tết sớm nhưng thấy vài ngày sau gió thổi nhẹ bớt, ông lại động viên bạn ghe đi chuyến ngắn ngày nữa vào ngày 15/1 để kiếm thêm chút tiền tiêu Tết.
Và trời không phụ lòng người, chiều 31/1, tàu ông Ngô Văn Bé cập cảng Tân Phước với tôm, cá đầy khoang. Ông Bé và anh em thuyền viên trên tàu cá phần lớn quê ở miền Trung, người ở Ninh Thuận, Quảng Ngãi, có người ở mãi Nghệ An. Chuyến biển cuối năm, tàu đánh bắt được khoảng 7 tấn cá đổng, cá mèo, bạc má các loại, bán được khoảng 350 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 150 triệu đồng.
“Trong năm đi biển không có ăn, anh em bạn ghe chỉ có lương căn bản 6-7 triệu đồng/người/tháng. Chuyến này trúng chút đỉnh, anh em được chia thêm khoảng 5 triệu đồng/người về quê ăn Tết. Chúng tôi đã cùng hẹn nhau mùng 10 tháng Giêng quay lại xuất hành chuyến biển đầu năm mới Giáp Thìn”, thuyền viên Phạm Thanh Sang vui vẻ nói.
Bài, ảnh: NGỌC MINH