Làn gió mới vào Cái Mép-Thị Vải

Thứ Tư, 21/02/2024, 18:25 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2024, lĩnh vực cảng biển đứng trước vận hội mới khi hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi tích cực, đi cùng những thay đổi về chính sách giá theo hướng có lợi.

Cảng CMIT đón tàu container lớn nhất của hãng tàu MSC cập cảng.
Cảng CMIT đón tàu container lớn nhất của hãng tàu MSC cập cảng.

Hưởng lợi từ khung giá dịch vụ mới

Nhận định về triển vọng của lĩnh vực cảng biển năm 2024, các chuyên gia đánh giá, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển sẽ phục hồi do nhu cầu xuất nhập khẩu cải thiện, đặc biệt là khi thị trường Mỹ, châu Âu tái bổ sung hàng tồn kho. Theo đó, các DN tại Việt Nam có điều kiện tăng hàng hóa xuất khẩu sang 2 thị trường này. Đồng nghĩa với việc khối lượng hàng hóa vận tải biển và xếp dỡ tại cảng tại Việt Nam tăng lên.

Mặt khác, từ ngày 15/2/2024, Thông tư 39/2023/TT-BGTVT (Thông tư 39) điều chỉnh về giá dịch vụ cảng biển có hiệu lực. Mức giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển tại một số khu vực sẽ tăng khoảng 10% so với mức giá cũ.

Riêng 2 cảng biển nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải được áp khung giá riêng cao hơn. Cụ thể, tại hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải khung giá dịch vụ bốc dỡ container từ tàu (sà lan) lên bãi cảng dành cho container nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập, tái xuất là từ 57-66 USD/container 20 feet có hàng; 85-97 USD/container 40 feet và với container trên 40 feet có giá bốc dỡ từ 94-108 USD/container. Đối với container quá cảnh, trung chuyển, mức giá bốc dỡ từ 34-40 USD/container 20 feet và 51-58 USD/container 40 feet có hàng.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép cho biết, giá dịch vụ bốc dỡ container tăng giúp các nhà khai thác cảng có thêm nguồn lực để tái đầu tư, giữ chất lượng dịch vụ cao. Điều này cũng  giúp cho các nhà xuất nhập khẩu tiếp tục hưởng chuỗi vận tải có tính chất cạnh tranh cao ở Việt Nam. “Luồng Cái Mép - Thị Vải đã hoàn thành nạo vét đạt độ sâu -15,5m là một trong những điểm sáng tích cực cho các DN cảng biển. Sản lượng qua các cảng nước sâu trong năm 2024 dự kiến sẽ tăng trưởng tốt hơn”, ông Nguyễn Xuân Kỳ nhận định.

TCIT tăng cường đầu tư trang thiết bị mới và cơ sở vật chất, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ.
TCIT tăng cường đầu tư trang thiết bị mới và cơ sở vật chất, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tiếp tục hiện đại hóa cảng biển

Trong quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cái Mép - Thị Vải được định hướng hiện đại hóa thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế. Đồng thời, hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế.

Tầm nhìn quy hoạch nói trên đưa Cái Mép - Thị Vải đứng trước những cơ hội mới, buộc các DN kinh doanh khai thác cảng biển phải khẩn trương nâng cao năng suất giải phóng tàu, hiện đại hóa các quy trình thủ tục.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc kinh doanh Cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) cho biết,  TCIT tăng cường đầu tư trang thiết bị mới và cơ sở vật chất, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đặt mục tiêu sản lượng container dự kiến đạt 1,35 triệu TEU trong năm 2024, ngoài đầu tư hạ tầng, cảng Gemalink đẩy mạnh phát triển các dịch vụ mới và mở rộng thị trường khách hàng; đồng thời chuẩn bị các thủ tục cần thiết để triển khai giai đoạn 2, mở rộng cầu tàu lên đến 1.520m, nâng gấp đôi công suất đến 3 triệu TEU/năm, kế hoạch sẽ đưa vào khai thác từ năm 2025. “Gemalink phát triển cảng theo hướng ngày càng hiệu quả, hiện đại và xanh, đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số”, ông Cao Hồng Phong, Phó Tổng Giám đốc Gemalink cho biết thêm.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
;
.