Ngày 16/12, Sở KH-CN tổ chức hội nghị gặp gỡ DN khởi nghiệp, tổng kết chương trình tăng tốc thúc đẩy kinh doanh DN năm 2023. Nhiều chính sách nhằm thúc đẩy, phát triển cộng đồng DN khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh được triển khai tại hội nghị.
Các sản phẩm ăn liền mang hương vị đặc trưng ẩm thực Việt Nam của Công ty K-Products (TP.Vũng Tàu) được bày bán tại các hệ thống siêu thị Nhật Bản. |
Tăng tốc khởi nghiệp
Bà Ngô Chánh Nga (xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) cho biết, từ tình yêu vùng đất Xuyên Mộc, mong muốn người dân được hưởng lợi ích từ hoạt động du lịch, đã quyết định khởi nghiệp thành lập Công ty TNHH phát triển du lịch sinh thái Xuyên Mộc Hồ Tràm vào tháng 7/2022. Xuất phát từ một cơ sở nghỉ dưỡng nhỏ Mộc Villas với 18 phòng, bà Nga đã phát triển lên thành khu du lịch sinh thái, trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng phục vụ thanh thiếu niên địa phương và khách du lịch.
Qua 1 năm nỗ lực khởi nghiệp, khu du lịch sinh thái đã phát triển thêm 14 phòng lên thành 32 phòng, doanh thu từ vài chục triệu/tuần lên 300 triệu đồng/tuần. Bà Chánh Nga đặt mục tiêu phát triển lên 300 phòng trong 3 năm tới với doanh thu tỷ đồng/tuần.
Ý tưởng và dự án khởi nghiệp phát triển du lịch sinh thái cộng đồng của bà Nga đã đạt giải 3 trong cuộc thi Đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2022. “Tôi luôn chủ động tích lũy kiến thức, thường xuyên tham dự các lớp đào tạo, tham quan trao đổi kinh nghiệm của Sở KH-CN và các ban, ngành để tìm những điểm mới tạo cảm giác lạ cho du khách, từ đó tạo ra sự khác biệt nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng riêng về cộng đồng bản địa. Đây chính là điều kiện quan trọng để khởi nghiệp thành công”, bà chia sẻ.
Theo Sở KH-CN, với chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thời gian qua tỉnh đã hỗ trợ hơn 300 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức các hội nghị, sự kiện tuyên truyền, phổ biến về khởi nghiệp với hơn 10.000 lượt đại biểu là đại diện cơ quan, tổ chức và DN, cá nhân khởi nghiệp, giảng viên, sinh viên. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 100 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và 5 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. |
Nếu thời điểm dịch COVID-19 làm nhiều DN khó khăn phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động thì đây lại là cơ hội cho các DN phát triển mảng thương mại điện tử. Ông Trần Thanh Tùng, đồng sáng lập các thương hiệu Sài Gòn Tiếu, Café Mokey in Black, Loli & the Wolf,… cho biết, trong ngày đầu tiên mở mảng bán hàng online, doanh thu của công ty ông từ 5 triệu đồng tăng lên 100 triệu đồng/ngày.
Hay Công ty K-Products (TP.Vũng Tàu) đã thành lập ngay trong thời điểm dịch COVID-19 (năm 2021). Bởi thời điểm đó, 2 vợ chồng chị Mai Thị Thu Trang nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của người dân đã thay đổi, nhu cầu về thực phẩm tiện lợi, dễ ship, dễ dùng tăng lên. Từ đó, kết hợp với việc đẩy mạnh chất lượng sản phẩm ở khâu bảo quản, K-Products đã phát triển mạnh mẽ các sản phẩm khô ăn liền rất đặc trưng của Việt Nam như: phở bò, gà, bún bò Huế, bún riêu cua, cá kho làng Vũ Đại, cá nục kho tiêu,… không chỉ ở thị trường trong nước (bán online qua Shopee) mà còn xuất khẩu sang Nhật, Đài Loan, Úc…
Thành lập Công ty Hải Lan (TP.Bà Rịa) vào thời điểm dịch COVID-19 với dự án đá nghệ thuật của bà Nguyễn Thị Hồng Lan lọt vào Top 100 DN khởi nghiệp Đông Nam Á. |
Nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp
Theo Sở KH-CN, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hỗ trợ, thúc đẩy DN khởi nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao trong nhiều năm qua. Rất nhiều chính sách hỗ trợ được tỉnh ưu tiên cho đội ngũ DN khởi nghiệp. Nhiều sân chơi cũng được mở ra để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp như thành lập vườm ươm khởi nghiệp sáng tạo và tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các cấp, ban ngành (Sở KH-CN, Đoàn Thanh niên, Hội LHPN…).
Tại hội nghị, Sở KH-CN cũng đã triển khai kế hoạch, chính sách mới về hỗ trợ DN vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Theo đó, Sở KH-CN sẽ hỗ trợ DN về cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung, chi phí thuê mặt bằng; hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ công nghệ và đào tạo, huấn luyện chuyên sâu; hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo,…
“Trong đó, quan trọng nhất là chương trình hỗ trợ đào tạo cho DN, ngân sách nhà nước chi 100% và đào tạo theo đơn đặt hàng, nhu cầu của DN. Đào tạo ngắn hạn hay dài ngày với nội dung như thế nào tùy DN đặt hàng và theo đơn giá của DN”, ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết.
Các DN đánh giá cao các chương trình tư vấn, đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp của Sở KH-CN dành cho DN khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ. “Sở KH-CN có rất nhiều chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm. Đặc biệt nhất là Chương trình Tăng tốc thúc đẩy kinh doanh DN vừa được thử nghiệm trong năm nay, với mô hình 1 chuyên gia kèm 1 DN rất thiết thực và hiệu quả cao, giúp DN khởi nghiệp vạch ra được kế hoạch phát triển kinh doanh bài bản và triển khai hiệu quả”, bà Hoàng Thị Ngọc Huyền, Giám đốc Công ty TNHH CodeSpace (huyện Long Điền) chia sẻ.
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH