Di dời Tượng đài Dầu khí để chỉnh trang đô thị

Thứ Sáu, 17/11/2023, 18:37 [GMT+7]
In bài này
.

Di dời Tượng đài Dầu khí nằm trong kế hoạch chỉnh trang đô thị của TP.Vũng Tàu nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Đồng thời, khắc phục những tiêu chí chưa đạt đô thị loại I và xây dựng Vũng Tàu trở thành đô thị chất lượng, đáng sống.

Phối cảnh Tượng đài Dầu khí dời về Công viên Ẹo Ông Từ (phường 12, TP. Vũng Tàu).
Phối cảnh Tượng đài Dầu khí dời về Công viên Ẹo Ông Từ (phường 12, TP. Vũng Tàu).

Sẵn sàng di dời vào ngày 22/11

Tượng đài Dầu khí là biểu tượng gắn kết của ngành dầu khí với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thể hiện dấu ấn sâu đậm tình hữu nghị Việt-Nga. Công trình được xây dựng từ năm 2010, đặt giữa nút giao đường 2/9 và Nguyễn An Ninh (TP.Vũng Tàu). Theo ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, cùng với sự phát triển của thành phố, dân cư đông đúc khiến tình trạng kẹt xe, ùn tắc tại khu vực vòng xoay Tượng đài Dầu khí thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm. Do đó, việc di dời Tượng đài Dầu khí nhằm chỉnh trang đô thị, cải tạo, nâng cấp nút giao trên, cải thiện tình trạng kẹt xe và hoàn thiện hạ tầng giao thông cho thành phố.

Đồng thời, thực hiện chương trình phát triển đô thị TP.Vũng Tàu giai đoạn 2019-2035, khắc phục những tiêu chí chưa đạt đô thị loại I và xây dựng Vũng Tàu trở thành đô thị chất lượng, đáng sống. Ngoài ra, việc di dời còn nhằm mục tiêu chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực; tăng mỹ quan đô thị, bảo đảm an toàn, trật tự giao thông và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực. Việc di dời Tượng đài Dầu khí và chỉnh trang nút giao này đã được lấy ý kiến từ Sở Xây dựng, Sở GT-VT và nhiều chuyên gia cùng ý kiến của Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro.

Ông Trần Quốc Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 2 TP.Vũng Tàu cho biết, sau gần 5 tháng kể từ khi có Quyết định 3216/QĐ-UBND của UBND TP.Vũng Tàu về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình di dời Tượng đài Dầu khí, đến nay công tác chuẩn bị cho việc di dời đã hoàn tất, sẵn sàng cho việc di dời vào ngày 22/11. Trước đó, ngày 12/4/2023, HĐND TP. Vũng Tàu đã thông qua Nghị quyết số 43/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư dự án di dời Tượng đài Dầu khí. HĐND TP.Vũng Tàu giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng 2 làm chủ đầu tư. Dự án di dời có tổng mức đầu tư hơn 38,1 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TP.Vũng Tàu là hơn 3 tỷ đồng, còn lại 35 tỷ đồng là kinh phí do Vietsovpetro hỗ trợ và đơn vị này không tham gia vào quá trình giám sát thi công. Nguồn vốn tài trợ sẽ được Vietsovpetro chuyển cho UBND TP.Vũng Tàu theo tiến độ thực hiện công trình.

Cải tạo lại để tránh kẹt xe

Ông Trần Quốc Thịnh thông tin thêm, trong quá trình thực hiện di dời, đơn vị thi công sẽ lắp dựng hàng rào bảo vệ, thi công tháo dỡ các hạng mục phụ trợ đến chân tượng đài hiện hữu. Đồng thời, lắp dựng hệ thống giàn giáo, thi công tháo dỡ, đục bỏ một phần trên của khối phù điêu giữa đến cốt thép lõi kết cấu tượng đài nhằm tháo cắt phần ngọn lửa, tháo dỡ toàn bộ khối đá hình con tàu. Sau đó, đơn vị thi công sẽ cẩu chuyển phần ngọn lửa, các khối đá trên lên các phương tiện chuyên dụng về địa điểm mới công viên Ẹo Ông Từ.

Tượng đài Dầu khí cao hơn 24m, với biểu tượng ngọn lửa bằng bêtông 7,3m và phần bệ hình mũi tàu Mikhain Mirchin do Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro trao tặng. Công trình tượng đài Dầu khí khánh thành vào năm 2010, được ghép từ 150 khối đá hoa cương, có chiều cao 24,5m, đường kính 40m, khắc họa hình ảnh của Liên doanh Việt-Nga Vietsopetro được hình thành và phát triển tại Bà Rịa-Vũng Tàu, qua đó thể hiện tầm vóc của ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.

Theo đó, Tượng đài Dầu khí hiện hữu sẽ được tháo dỡ, di dời và lắp đặt (có đầu tư thêm) tại khu vực công viên Ẹo Ông Từ, phường 12. Tại địa điểm mới, chân tượng đài Dầu khí sẽ được thu nhỏ hơn đường kính hiện hữu 10m, tức còn 30m. Chiều cao tượng đài được nâng lên 3,4 m so với tượng đài hiện hữu (nâng phần chân đế tượng) nhằm bảo đảm tầm nhìn trong tương lai khi xây dựng cầu vượt trên cao của đường Võ Nguyên Giáp...

Đồng thời, làm mới phần sân lát gạch, bố trí đèn chiếu sáng, đèn trang trí, làm lối đi trong công viên, cải tạo cây xanh hiện hữu trong công viên, di dời các cây có chiều cao lớn và trồng cây thấp nhằm tạo cảnh quan, tránh che khuất tầm nhìn tượng đài.

Còn tại nút giao đường 2/9 và Nguyễn An Ninh sau khi di dời Tượng đài Dầu khí sẽ được cải tạo khuôn hầm 4 hố ga, làm lại kết cấu bồn cây, hoàn trả lại vỉa hè, cải tạo lại nền, mặt đường… Bên cạnh đó, thu hẹp, kéo dài dải phân cách trên đường 2/9, bố trí hệ thống đèn giao thông để giải quyết kẹt xe, sơn phân làn, làm biển báo để phân luồng phương tiện giao thông qua nút giao này.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.