Theo đuổi đam mê, tìm tòi sáng tạo, anh Phạm Đông Huy (SN 1989, ở thôn Quảng Thành 2, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) đã khởi nghiệp thành công với cây sa kê. Sản phẩm sa kê của anh đã được biết đến trên toàn quốc và đang vươn ra thị trường nước ngoài.
Anh Phạm Đông Huy kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng. |
Bén duyên với sa kê từ nhỏ
Khi còn nhỏ ở vùng nông thôn Nghĩa Thành theo mẹ hái sa kê về chế biến thành các món ăn cho gia đình, anh Phạm Đông Huy đã ấn tượng về loài cây này. Lớn lên, khi đang là SV công nghệ thông tin tại TP.Hồ Chí Minh, qua tìm hiểu từ báo chí, các trang mạng xã hội, Huy biết sa kê là giống cây hữu ích, ít người trồng, trái ngon và lá có thể dùng làm thuốc.
Thông tin khoa học về cây sa kê bằng tiếng Việt không nhiều nên anh tham khảo thông tin trên trang mạng nước ngoài, nhất là trang của Viện Nghiên cứu sa kê toàn cầu. Sau đó, anh Huy về quê hái sa kê trong vườn của gia đình đưa đến các nhà hàng để giới thiệu và hướng dẫn cách chế biến món ăn, để kiếm thêm tiền giúp trang trải chi phí học tập. Từ đó, cái tên Huy sa kê đã gắn liền với anh hơn chục năm qua.
Theo đuổi đam mê, quyết tâm khởi nghiệp từ trái sa kê và mong muốn làm điều gì đó giúp quê hương, đầu năm 2020, Huy đã đầu tư nhà xưởng, máy sấy, thu mua nguyên liệu và chế biến các sản phẩm từ trái sa kê. “Tôi không kỳ vọng mang lại lợi nhuận cao như các loại cây trồng khác, nhưng tin rằng, sản phẩm này sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng. Nó là cây trồng mới phù hợp chuyển giao cho nông dân quê mình”, anh Huy chia sẻ.
Hiện nay cơ sở Sake Toàn Cầu của Huy cung cấp bột sa kê, lá sa kê sấy khô, rượu sa kê, sa kê chiên, sa kê sấy giòn… cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, anh Huy còn đề xuất với ngành nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Châu Đức liên kết với hội viên trồng xen cây sa kê trong các vườn cây, vừa tăng thu nhập cho nông dân, vừa để tạo vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Sơ chế trái sa kê ở Công ty TNHH Sa kê Toàn Cầu-Sa kê Việt. |
Từng bước xây dựng thương hiệu
Sau hơn 10 năm khởi nghiệp, đến năm 2022, sản phẩm Snack Sake là 1 trong 35 sản phẩm của Bà Rịa-Vũng Tàu được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. 2 sản phẩm là sa kê sấy giòn phô mai và bột sa kê sấy lạnh đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao. Thương hiệu Sake Toàn Cầu được khách hàng biết đến thông qua các hội chợ triển lãm và xúc tiến thương mại.
Mới đây, Sake Toàn Cầu được tôn vinh tại lễ giới thiệu các sáng kiến và nỗ lực phát triển thực phẩm bền vững-Food Hero Awards 2023 do Hiệp hội thực phẩm minh bạch TP.Hồ Chí Minh (AFT) và Mạng lưới phát triển thực phẩm toàn cầu tổ chức.
Theo ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức, Kase Toàn Cầu đã luôn đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn. Để hỗ trợ DN phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, công ty còn được Sở KHCN bảo hộ thương hiệu sản phẩm; Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ máy li tâm, máy chiên và máy trộn với số tiền 240 triệu đồng. Qua đó, tạo việc làm ổn định với mức thu nhập bảo đảm cuộc sống cho hàng chục lao động tại địa phương, góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn.
Nói về dự định trong tương lai, anh Phạm Đông Huy, Giám đốc Công ty TNHH Sa kê Toàn Cầu-Sa kê Việt chia sẻ, công ty đã nhận được các đơn hàng xuất khẩu từ thị trường Mỹ, Canada và một số nước Đông Nam Á cho năm 2024. “Để sản phẩm nông nghiệp đáp ứng xuất khẩu vào thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Sa kê Toàn Cầu-Sa kê Việt đã từng bước số hóa cho mỗi sản phẩm. Không chỉ truy xuất nguồn gốc, từng cây trồng được ghi nhật ký điện tử suốt quá trình chăm bón…”, anh Huy cho hay.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG-VĂN TRUNG