Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 vừa qua ước đạt 536.300 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu du lịch 10 tháng 2023 của Bà Rịa-Vũng Tàu, ước đạt 13.305 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Trong ảnh: Du khách vui chơi tại Bãi Sau, TP.Vũng Tàu. Ảnh: Đức Nguyên |
Nguyên nhân giúp tổng mức bán lẻ duy trì đà tăng là do nhu cầu tiêu dùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục, đồ dùng gia đình tăng khá cao và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tích cực.
Tính chung 10 tháng của năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.105.400 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 20,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,9% (cùng kỳ năm ngoái tăng 16,7%).
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng của năm nay ước đạt 3.988.900 tỷ đồng, chiếm 78,1% tổng mức và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,8%).
Đáng chú ý, doanh thu du lịch lữ hành 10 tháng qua ước đạt 30.200 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 47,6% so với cùng kỳ năm trước do các địa phương đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa sẽ tăng trở lại khi kinh tế trong nước đang dần hồi phục, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, tiêu dùng nội địa còn yếu, phục hồi chậm do hậu quả của đại dịch, do đó, cần có giải pháp, chương trình hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; thúc đẩy du lịch nội địa để gia tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước.
Theo đó, về giải pháp kích cầu tiêu dùng, Chính phủ thực hiện kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua; tăng cường các đợt khuyến mại và giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và tăng cho vay tiêu dùng; đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội. Cùng đó, giảm giá hàng tiêu dùng cũng có tác động rất lớn tới tâm lý chi tiêu, thúc đẩy tiêu dùng cuối cùng, tăng tổng cầu tiêu dùng của nền kinh tế.
Về phía Bộ Công Thương cũng sẽ triển khai một số giải pháp tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Đồng thời, tổ chức các chương trình kết nối cung cầu giữa các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh với các địa phương khác trong cả nước trong những tháng cuối năm để hỗ trợ DN phát triển thị trường, mở rộng kênh phân phối; tìm kiếm nguồn hàng, giới thiệu các đặc sản vùng miền, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Ngoài ra, triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước như tổ chức Tháng Khuyến mại tập trung Quốc gia năm 2023 theo thông lệ hàng năm trên phạm vi toàn quốc nhằm tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực, hướng tới các mục tiêu kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước…
BẢO LINH