Côn Đảo xanh với mô hình kinh tế tuần hoàn
Ngày 16/10, UBND huyện Côn Đảo tổ chức hội nghị triển khai Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn (KTTH) phục vụ phát triển kinh tế- xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030”.
Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (ở giữa) và các đại biểu tham quan và nghe giới thiệu về các sản phẩm thân thiện với môi trường được trưng bày tại Hội nghị. |
Gắn với môi trường sinh thái
Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, Côn Đảo là một địa điểm văn hóa du lịch có nhiều ý nghĩa lịch sử của cả nước, có vai trò, vị trí trọng yếu chiến lược về quốc phòng, an ninh của quốc gia. Tuy nhiên, Côn Đảo đang đứng trước những thách thức, khó khăn về thiếu nước sinh hoạt, vấn đề xử lý rác thải, năng lượng. Hệ sinh thái quanh đảo đang có nguy cơ bị suy thoái do tác động của các hoạt động kinh tế và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đồ chơi làm từ các nguyên vật liệu tái chế ở Trường mầm non Sen Hồng trưng bày tại Hội nghị KTTH. |
Chính vì thế, KTTH đã được UBND tỉnh chọn là giải pháp để phát huy các thế mạnh cũng như giải quyết các thách thức của Côn Đảo, đặt trọng tâm vào mối quan hệ hài hòa giữa môi trường sinh thái, công bằng xã hội và phát triển kinh tế. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBND ngày 16/3/2023 về việc phê duyệt đề án và Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 03/8/2023 về việc triển khai thực hiện Đề án “Kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế-xã hội bền vững huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” cũng như Quyết định số 944/QĐ-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2023 về việc thành lập Ban Chỉ đạo đề án KTTH.
Ngoài ra, đề án KTTH còn đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cụm ngành kinh tế chủ lực, thúc đẩy phát triển du lịch chất lượng cao, thu hút đa dạng nguồn du khách. Qua đó, tăng doanh thu ngành du lịch cho Côn Đảo cũng như kéo theo sự phát triển bền vững của các cụm ngành kinh tế phụ trợ. Đặc biệt, tái tạo nguồn vốn tự nhiên-con người và xã hội dựa trên cách tiếp cận theo mô hình KTTH cho các hoạt động thực tế tại địa phương.
Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ HRK giới thiệu sản phẩm thân thiện với môi trường tới người dân Côn Đảo. |
Thúc đẩy DN tham gia kinh tế tuần hoàn
Ông Lê Văn Phong, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo nhấn mạnh, đề án sẽ tận dụng nguồn lực từ nghiên cứu kết hợp với các chương trình quốc gia và địa phương, tìm kiếm nguồn kinh phí từ các quỹ quốc tế để đóng góp vào các chương trình toàn cầu về bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy giá trị văn hóa, xã hội. Ngoài ra, huyện sẽ thu hút nguồn kinh phí từ tư nhân và DN thông qua các dự án thử nghiệm sản xuất. “Chúng ta sẽ xây dựng các chính sách quản lý và khuyến khích để khuyến nghị việc chuyển đổi nền kinh tế hiện tại theo hướng KTTH. Điều này bao gồm hỗ trợ cộng đồng các DN trong việc cung cấp các dịch vụ nhằm cải thiện hiệu quả kinh tế và môi trường, bao gồm các lĩnh vực năng lượng, nước, vật liệu và bảo tồn thiên nhiên”, ông Phong giải thích.
Đề án hướng đến năm 2030 Côn Đảo có tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn thông qua các mô hình KTTH đạt 50%, 100% rác thải hữu cơ; tỷ lệ thu gom và xử lý nước mưa phục vụ sinh hoạt đạt 10%; tăng diện tích trồng và phục hồi rạn san hô lên 6-7ha. Phấn đấu đạt 100% xe vận tải hành khách thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 30%. Khuyến khích việc thu gom, sửa chữa, tân trang, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng trên đảo đạt tỷ lệ 15%...
Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 765 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm khoảng 75%, còn lại là nguồn xã hội hóa.
|
Ông Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển KTTH (Đại học Quốc gia TP.HCM), đơn vị đảm nhiệm tư vấn đề án, cho biết một trong những giải pháp quan trọng của đề án là xây dựng một hệ thống quản lý rác thải sinh hoạt và du lịch theo nguyên tắc KTTH.
Các đại biểu đạp xe đồng hành vì môi trường, hưởng ứng Hội nghị triển khai Đề án KTTH. |
Theo đó, rác thải sẽ được phân loại ngay từ nguồn, thu gom và vận chuyển đến các cơ sở xử lý. Tại đây, rác thải sẽ được tái chế, tái sử dụng hoặc chuyển hóa thành năng lượng, phân bón. Những sản phẩm từ rác thải sẽ được sử dụng lại cho các hoạt động sản xuất, trong ngành nông nghiệp (làm phân bón) và sinh hoạt của Côn Đảo, giúp giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp và tiết kiệm nguồn lực. Bên cạnh đó, xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, kết hợp với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và thiên nhiên của Côn Đảo; phát triển kinh tế chia sẻ, kết nối các DN và người dân trong việc cung ứng và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ. “Côn Đảo có thể thử nghiệm phát triển năng lượng tái tạo cho các khu nghỉ dưỡng và khách sạn, cũng như tiếp cận các chính sách tín dụng xanh, tài chính xanh cho các dự án KTTH có sự tham gia của DN. Trước thử nghiệm ở quy mô hẹp, sau đó mở rộng ra”, TS Trần Thị Hồng Minh-Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch-Đầu tư gợi ý.
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH- MẠNH CƯỜNG