.

Thước đo hiệu quả của quản trị hành chính công

Cập nhật: 19:43, 13/10/2023 (GMT+7)

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, thước đo hiệu quả của quản trị hành chính công là khả năng phụng sự và sự hài lòng của nhân dân, tại hội nghị giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI, diễn ra sáng 13/10.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

PAPI tăng điểm nhưng còn nhiều tồn tại

Theo Sở Nội vụ, PAPI là công cụ theo dõi, giám sát năng lực điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền địa phương. Các nội dung khảo sát hướng đến việc chính quyền đã làm được gì cho người dân, người dân đã hưởng được gì từ những chính sách của chính quyền.

Để nâng cao chỉ số PAPI, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp như: thông tin, tuyên truyền kịp thời đến người dân các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng trang thông tin điện tử của 82 xã, phường, thị trấn để người dân dễ dàng, thuận lợi tiếp cận thông tin, phản ánh kiến nghị, giải quyết TTHC và phản hồi các kiến nghị thỏa đáng theo đúng quy định.

Cơ quan chức năng cũng cung ứng 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên cổng dịch vụ công trực tuyến, cập nhật thông tin, biểu mẫu đầy đủ của thủ tục hành chính (TTHC); duy trì hiệu quả hoạt động của Tổ hướng dẫn, Tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Trong năm 2022, Chỉ số PAPI của tỉnh đạt 41,99/80 điểm, xếp vào nhóm 3, tăng 1,38 điểm và xếp hạng 34 cả nước, tăng 13 bậc so với năm 2021. Kết quả này có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm cơ sở để UBND tỉnh điều chỉnh và cải thiện hiệu quả công tác, thúc đẩy cải cách hành chính, phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp dân cư vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách trên địa bàn, nâng cao tinh thần phục vụ người dân.

Dù đã có nhiều điểm sáng, có 7 trong tổng số 8 chỉ số nội dung tăng điểm, nhưng công tác quản trị hành chính công trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số điểm chưa làm người dân hài lòng.

Gần dân, lắng nghe dân

Tại hội nghị, ThS. Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đã làm rõ các thông số trong bộ Chỉ số PAPI của tỉnh. Qua đó, bà Huyền đã đưa ra một số khuyến nghị để nâng cao chỉ số này của Bà Rịa-Vũng Tàu trong thời gian tới.

Mô hình Dân vận khéo “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” được nhiều địa phương trong tỉnh triển khai đã trở thành cầu nối hữu hiệu giữa chính quyền và người dân. Trong ảnh: “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” ở phường 1, TP. Vũng Tàu.
Mô hình Dân vận khéo “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” được nhiều địa phương trong tỉnh triển khai đã trở thành cầu nối hữu hiệu giữa chính quyền và người dân. Trong ảnh: “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” ở phường 1, TP. Vũng Tàu.

Cụ thể, tỉnh cần huy động sự tham gia tự nguyện của người dân vào thực hiện dự án công trình công cộng ở địa phương và nghiêm túc thực hiện việc lấy ý kiến công dân trước trong quá trình thực hiện các dự án này; tuân thủ việc thực hiện công khai, minh bạch thông tin để người dân biết, bàn, giám sát và yêu cầu các cấp chính quyền địa phương giải trình; tạo các kênh tương tác hữu hiệu giữa chính quyền địa phương và người dân để không chỉ chia sẻ thông tin mà còn giải trình cụ thể những vướng mắc còn tồn tại; thực hiện cung ứng dịch vụ công trực tuyến với sự tham gia chủ động và tích cực của người dân thông qua việc đưa dịch vụ đến với người dân, nhất là người dân ở nơi xa so với trung tâm xã, thị trấn ở khu vực nông thôn.

“Được biết, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có những mô hình, cách làm hay. Đây là tín hiệu vui và cần nhân rộng để tiếp tục nâng cao mức độ hài lòng của người dân toàn tỉnh”, ThS Đỗ Thanh Huyền đề nghị.

Sau khi nghe chuyên gia phân tích, đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành của chính quyền, các sở, ngành của tỉnh và các địa phương cấp huyện, cấp xã đã trình bày, chia sẻ những nỗ lực, việc đã làm được cũng như khó khăn trong công việc và đề ra giải pháp khắc phục.

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, trong thời gian qua, chỉ số quản trị môi trường mà đơn vị chịu trách nhiệm chính đang từng bước được cải thiện.

 Sở TN-MT chú trọng đến những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn, vừa bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo vệ môi trường, nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN thực hiện các TTHC. “Cùng với đó, Sở TN-MT thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho người dân, chủ động gặp gỡ trực tiếp để phổ biến các quy định, quy trình cho dân biết, dân hiểu, đồng thời lắng nghe tâm tư, kiến nghị của người dân về lĩnh vực đất đai, môi trường để có giải pháp giải quyết phù hợp”, ông Hải thông tin thêm.

Còn theo ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, địa phương cũng đã nỗ lực để đem đến sự hài lòng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Giải pháp trước hết và rất quan trọng là yếu tố con người. TP.Vũng Tàu chú trọng đào tạo, bồi dưỡng giám sát và thay đổi vị trí, luân chuyển cán bộ, bảo đảm bố trí cán bộ đúng người, đúng việc, đúng chuyên môn để đạt hiệu quả công việc tối đa.

Địa phương cũng chú trọng đến yếu tố gần dân, cung cấp đầy đủ thông tin cho dân. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hay các thông tin quan trọng khác đều được TP. Vũng Tàu công khai nhanh chóng trên trang thông tin điện tử của địa phương. “Chúng tôi lập 1.246 nhóm zalo của toàn bộ các tổ dân cư để thông tin đúng, nhanh, kịp thời các chủ trương, chính sách cho người dân. Mô hình Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói cũng đã phát huy hiệu quả để chính quyền gần hơn với dân”, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cho biết, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn xác định mục tiêu cao nhất trong cải cách hành chính là mang lại sự thuận tiện, minh bạch, tạo ra sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. “Chính quyền phải thật sự phục vụ, phụng sự và tạo ra sự hài lòng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Yêu cầu các cấp, các ngành xác định nâng cao chỉ số PAPI là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ông Nguyễn Văn Thọ cũng lưu ý đến việc nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số; tiếp tục áp dụng các mô hình sáng kiến, cách làm hay, mới để tăng sự tương tác, mức độ hài lòng của người dân với công tác quản trị, quản lý của chính quyền.

Bài, ảnh: QUANG VINH

.
.
.