.

Liên kết, mở rộng thị trường xuất khẩu

Cập nhật: 21:25, 15/10/2023 (GMT+7)

Trong bối cảnh hiện nay, để mở rộng thị trường xuất khẩu, nhiều DN đã liên kết với DN, nhà đầu tư có chức năng phân phối hàng hóa ở nước sở tại. Đây là một hình thức hội nhập hiệu quả, giúp tăng cơ hội xuất khẩu đang được nhiều DN ứng dụng.

Đại diện Công ty TNHH TM DV Sản xuất Ca cao Thành Đạt (bên phải) trao đổi với đại diện OCA Nhật Bản về sản phẩm tại phòng trưng bày của công ty tại TP. Vũng Tàu.
Đại diện Công ty TNHH TM DV Sản xuất Ca cao Thành Đạt (bên phải) trao đổi với đại diện OCA Nhật Bản về sản phẩm tại phòng trưng bày của công ty tại TP. Vũng Tàu.

Đôi bên cùng có lợi

Ông Nozawa Hiroki là một thương nhân Nhật Bản rất mê ca cao. Trong một lần du lịch ở Bà Rịa - Vũng Tàu, ông đến huyện Châu Đức và được giới thiệu trái ca cao của Công ty TNHH TM DV Sản xuất ca cao Thành Đạt. Từ đó, ông đã “phải lòng” sản phẩm này. Đó cũng là cái duyên đưa ông trở thành Giám đốc Công ty OCA Japan - nhà phân phối sản phẩm thương hiệu OCA của Công ty TNHH TM DV Sản xuất Ca cao Thành Đạt tại thị trường Nhật Bản.

Ông Nozawa Hiroki cho biết, thị trường Nhật Bản rất khó tính nên không phải sản phẩm nào cũng có thể phát triển thành công. "Vấn đề đầu tiên khi hợp tác là sản phẩm phải đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Qua tìm hiểu, tôi thấy chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn và thị hiếu của người Nhật nên quyết định chọn thương hiệu ca cao OCA để phát triển tại thị trường Nhật Bản”, ông nói.

Để đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối, sản phẩm của Công ty TNHH TM DV Sản xuất Ca cao Thành Đạt phải đạt nhiều loại chứng nhận chất lượng phù hợp với thị trường Nhật, đặc biệt là yếu tố xanh và bền vững. Quy trình sản xuất cũng phải đạt chuẩn để cho ra những sản phẩm OCA đạt chất lượng, đảm bảo mùi, vị nguyên chất và theo thị hiếu của nước sở tại.

Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ  tịch HĐQT Công ty TNHH TM DV Sản xuất Ca cao Thành Đạt cho biết, để có thể phát triển thương hiệu OCA tại Nhật Bản, công ty phải đảm bảo chất lượng của sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Nhật. Bên cạnh đó, công ty cũng hợp tác, liên kết với đối tác nước ngoài. Việc liên kết với công ty mang thương hiệu OCA tại nước sở tại không chỉ đảm bảo những yêu cầu đối với thị trường, mà công ty xuất khẩu còn phải đảm bảo thêm những yêu cầu của nhà phân phối nước ngoài.

“Công ty OCA Japan chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc phát triển thị trường nước ngoài. Sự hiểu biết thị trường của người bản xứ sẽ giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng. Công ty xuất khẩu chỉ việc lo khâu sản xuất, thỉnh thoảng hỗ trợ DN phân phối khi có những sự kiện lớn về xúc tiến thương mại quốc tế. Hình thức này mang lại nhiều lợi ích cho những DN thương mại quốc tế”, bà Nguyễn Thị Thu nói.

Ngoài liên kết trong khâu phân phối sản phẩm, các DN còn liên kết trong tìm hiểu thị trường, tư vấn thị hiếu tiêu dùng, liên kết trong công nghệ sản xuất. Điều này giúp DN có hoạt động thương mại quốc tế hiểu rõ về các đặc điểm và thách thức của thị trường nước ngoài. Từ đó, DN xác định được mục tiêu, định hướng phát triển của DN và vượt qua rào cản ngôn ngữ, văn hóa để tiếp cận thị trường tốt hơn.

Cần sự tin tưởng lẫn nhau

Công ty TNHH Tứ Hải cũng có những “đặc phái viên” người bản xứ như vậy để phát triển sản phẩm hải sản chế biến tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhiều sản phẩm của DN xuất thô, các DN phân phối nước ngoài sẽ chịu trách nhiệm đóng bao bì phù hợp để bán tại các kênh bán lẻ của nước sở tại.

Ông Han Kwang Moon, Giám đốc thương mại Hàn Quốc - Công ty TNHH Tứ Hải cho biết: “Sản phẩm của Tứ Hải đã xuất bán vào thị trường Hàn Quốc nhiều năm nay nên người tiêu dùng đã quen sử dụng. Sản phẩm của Tứ Hải rất uy tín và phía Hàn Quốc thường xuyên kiểm tra tại nơi sản xuất. Vì vậy, tại Hàn Quốc, chúng tôi yên tâm tập trung vào việc phân phối mạnh mẽ hơn, đặc biệt là những sản phẩm mới”.

Ông Đào Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tứ Hải cho biết, các sản phẩm của công ty đã được khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, để có thể nắm bắt nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng của nước nhập khẩu, công ty liên kết và hợp tác với đối tác ở nước sở tại. Việc hợp tác này cần có sự tin tưởng lẫn nhau. Nhà sản xuất tin tưởng vào năng lực phát triển thị trường của nhà phân phối và tin tưởng vào sự trung thành đối với thương hiệu sản phẩm. Nhà phân phối tin tưởng vào chất lượng hàng hóa mà nhà sản xuất cung cấp”. 

Theo đánh giá của ngành công thương, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc liên hết hội nhập cùng phát triển là hướng đi chung toàn cầu. Qua đó, DN giảm chi phí đầu tư, giảm khó khăn về vận chuyển, logistics cho DN, đồng thời nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường xuất khẩu, từ đó tiếp cận và thâm nhập thị trường mới; thông tin, thị hiếu và quy định pháp lý cũng như chất lượng, quy cách hàng hóa xuất khẩu với từng thị trường cụ thể...

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.