Tập trung ứng phó biến đổi khí hậu

Thứ Ba, 01/08/2023, 19:28 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Tuy nhiên, BĐKH vẫn diễn biến phức tạp, đang thách thức lớn đến sự phát triển kinh tế của địa phương.

Do tác động của BĐKH, lượng rác thải đại dương trôi dạt vào bờ biển Vũng Tàu ngày càng nhiều, thời gian kéo dài.
Do tác động của BĐKH, lượng rác thải đại dương trôi dạt vào bờ biển Vũng Tàu ngày càng nhiều, thời gian kéo dài.

Thách thức từ BĐKH

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, thời gian qua tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Nhờ vậy, diện tích rừng được giao quản lý không bị lấn chiếm, xâm hại trái phép; tài nguyên rừng ngày càng được tăng lên rõ nét, độ che phủ rừng được tái sinh phục hồi. Một số loài cây quý hiếm được gây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, phát huy được giá trị của rừng, góp phần cho sự nghiệp phát triển dân sinh, kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay BĐKH vẫn là thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế, an sinh của tỉnh. Với đường bờ biển dài hơn 300 km, Bà Rịa- Vũng Tàu là một trong những tỉnh ven biển của Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp BĐKH. Tình trạng ngập lụt, sạt lở, xâm nhập mặn, rác thải đại dương... tác động mạnh đến các vùng, địa phương, các ngành và các lĩnh vực kinh tế của tỉnh, nhất là tài nguyên- môi trường, du lịch và đời sống người dân. Chẳng hạn như tại xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ, những năm gần đây, nông dân trồng rau lo lắng khi tình trạng nước nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng, khiến việc sản xuất rau xanh gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Dũng (xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) cho biết: “Mấy năm nay, nước ở đây bị nhiễm phèn, không thể sử dụng để tưới rau màu. Vì vậy, chúng tôi phải đầu tư hàng chục triệu đồng để dẫn nước từ xa về, rất tốn kém”.

Ngành TN-MT đã tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường để hạn chế BĐKH.  Trong ảnh: Đoàn viên Sở TN-MT thu gom rác tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu.
Ngành TN-MT đã tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường để hạn chế BĐKH. Trong ảnh: Đoàn viên Sở TN-MT thu gom rác tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu.

Theo Sở TN-MT, thực trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh đang diễn ra với tốc độ khá nhanh, chỉ tính trong vòng 15 năm qua, tốc độ sạt lở từ 2m/năm giờ đã lên đến 30m/năm, có những khu vực biển đã lấn hơn 80m. BĐKH cũng đã đe dọa đến nguồn nước trong tỉnh. Nếu tính theo chuẩn cấp nước cho các nhu cầu sinh hoạt và sản xuất 2.500m3/người/năm là bền vững thì khả năng cung cấp của nguồn tài nguyên nước Bà Rịa - Vũng Tàu hiện chỉ đạt 35,7%. Trong khi đó, các nghiên cứu và cảnh báo mới đây của các nhà khoa học lại cho thấy sự tăng cao nhiệt độ của Bà Rịa - Vũng Tàu có thể sẽ lên đến 2,8 độ C kéo theo khô hạn hóa.

Trên cơ sở phân tích chuỗi số liệu mưa và bốc hơi trong hơn 30 năm qua, cũng như sự xuất hiện cảnh quan bán khô hạn ở một số vùng trong tỉnh, các nghiên cứu cho rằng, Bà Rịa - Vũng Tàu đã chớm chuyển sang trạng thái khô hạn. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm là mùa thiếu nước. Các dòng sông cung cấp nước cho tỉnh chủ yếu là những sông nội tỉnh, ngắn và có lưu vực nhỏ...

Thời gian qua tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Trong ảnh: Lực lượng kiểm lâm VQG Côn Đảo tuần tra bảo vệ rừng.
Thời gian qua tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Trong ảnh: Lực lượng kiểm lâm VQG Côn Đảo tuần tra bảo vệ rừng.

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khu vực

Nhận thức được nguy cơ rủi ro, thách thức của BĐKH tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của tỉnh, thời gian qua các cấp, các ngành của tỉnh đã quan tâm đến công tác ứng phó với BĐKH.

Ông Đặng Sơn Hải cho biết, Sở TN-MT đã xây dựng kế hoạch ứng phó, trong đó, tập trung triển khai các dự án như: “Nâng cao nhận thức và kỹ năng của tuyên truyền viên về BĐKH của các tổ chức chính trị xã hội”; “Đánh giá tác động của BDKH đến vấn đề ngập lụt trên địa bàn tỉnh và kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trong vấn đề chống ngập và lập bản đồ phân vùng nguy cơ ngập lụt do mưa”… Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch đất các đô thị, khu vực dân cư nông thôn, đặc biệt là những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng của lũ lụt, sạt lở đất và nước biển dâng. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức điều tra, đánh giá và khoanh định vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất để chống suy thoái cạn kiệt nguồn nước; tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phục hồi, phát triển mở rộng hệ sinh thái rừng ngập mặn bằng cách trồng thêm rừng ngập mặn…

Toàn tỉnh có 40 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài bờ biển là hơn 48.618m. Nhằm bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ, giảm thiểu xói lở bờ biển, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng, tỉnh đã thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

Cùng với các giải pháp khoa học công nghệ ngăn chặn tình trạng xói lở bờ biển, các cơ quan chức năng cũng triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo vệ vùng cửa sông, ven biển như: kiên quyết cấm khai thác cát vùng cửa sông, ven biển, nhất là tại các khu vực thường xảy ra tình trạng sạt lở.

“Thời gian tới, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của từng khu vực, từng địa phương trong hoạt động thích ứng BĐKH; triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần chuyển đổi hiệu quả mô hình phát triển kinh tế các bon thấp, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững an ninh trật tự xã hội, bảo đảm phát triển bền vững”, ông Hải thông tin thêm.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.