70 NGÀN TẤN LNG ĐẦU TIÊN CẬP BẾN THỊ VẢI

'Đánh dấu' hình ảnh của Bà Rịa - Vũng Tàu trên bản đồ LNG thế giới

Thứ Hai, 10/07/2023, 18:40 [GMT+7]
In bài này
.

10 giờ ngày 10/7, tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp) chở 70.000 tấn LNG trị giá khoảng 830 tỉ đồng  từ cảng Bontang - Indonesia đã  cập hệ thống kho cảng LNG Thị Vải (TX. Phú Mỹ). Tập đoàn năng lượng quốc tế Shell - một trong những nhà cung cấp LNG hàng đầu thế giới, đã được Công ty khí Việt Nam (PV GAS) lựa chọn làm nhà cung cấp cho chuyến hàng đặc biệt này.

PV GAS đã phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để tiếp nhận thành công chuyến tàu LNG đầu tiên đến Việt Nam.
PV GAS đã phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để tiếp nhận thành công chuyến tàu LNG đầu tiên đến Việt Nam.

Chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên cập bến Thị Vải là sự kiện quan trọng đối với PV GAS và ngành công nghiệp khí tại Việt Nam. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung cấp khí sạch hơn cho ngành công nghiệp năng lượng của đất nước, nhất là khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 có 22.400MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh.

Thông tin tại sự kiện, ông Phạm Văn Phong - Tổng Giám đốc PV GAS cho rằng, 70.000 tấn LNG đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam đồng nghĩa với việc “đánh dấu” hình ảnh của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trên bản đồ LNG của thế giới. “Và chặng đường hoàn thiện chuỗi dự án Kho cảng LNG Thị Vải đã được đánh dấu bằng sự kiện rất đáng mong đợi. Toàn bộ lượng LNG được nhập về lần này để cung cấp cho quá trình chạy thử và vận hành chính thức kho LNG Thị Vải”, ông Phong chia sẻ.

LNG (Liquefied Natural Gas - LNG) là khí thiên nhiên hóa lỏng có thành phần chủ yếu là CH4 - methane, trong suốt, không màu, không mùi, được sản xuất bằng cách làm lạnh sâu khí thiên nhiên ở nhiệt độ khoảng -162°C để chuyển sang thể lỏng. Việc sử dụng LNG làm nhiên liệu thay thế các loại khác sẽ giảm thiểu phát thải CO2 đến 30% so với sử dụng than đá và dầu mỏ.
Ở trạng thái lỏng, thể tích của LNG giảm khoảng 600 lần so với trạng thái khí, do đó dễ vận chuyển hơn. PV Gas dùng nước sông Thị Vải để tái khí hóa từ dạng lỏng.

Theo lãnh đạo PV GAS nằm trong chiến lược phát triển thị trường khí, tháng 10/2019, đơn vị đã khởi công xây dựng Dự án Kho cảng LNG Thị Vải (TX. Phú Mỹ). Tính đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành các hạng mục chính là bồn có sức chứa 180.000m3 LNG, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và quốc tế với tổng chi phí đầu tư gần 300 triệu USD (tương đương 6.500 tỷ đồng, trong đó bồn chứa khoảng 6.135 tỷ đồng, hệ thống đường ống dài 6km khoảng 350 tỷ đồng).

Tàu Maran Gas Achilles chở LNG vào Kho cảng LNG Thị Vải, đánh dấu sự kiện đầu tiên và quan trọng nhất trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS).
Tàu Maran Gas Achilles chở LNG vào Kho cảng LNG Thị Vải, đánh dấu sự kiện đầu tiên và quan trọng nhất trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS).

Kho cảng LNG Thị Vải của PV GAS là tổ hợp LNG đầu tiên được đưa vào vận hành, có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam với công suất qua kho là 1 triệu tấn LNG/năm trong giai đoạn 1.

PV GAS cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hiện nay được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG (Quyết định số 01/GCNĐĐK-BCT do Bộ Công thương ban hành ngày 5/5/2023).

Để đảm bảo nguồn cung LNG ổn định, PV GAS đã làm việc và ký kết nhiều hợp đồng khung mua bán LNG theo chuyến với nhiều nhà cung cấp LNG lớn đến từ nhiều khu vực xuất khẩu khác nhau trên thế giới, trong đó có nhiều nhà cung cấp lớn đến từ Mỹ, khu vực châu Âu, Trung Đông, châu Á…

Các nhà cung cấp LNG cũng rất đa dạng, từ nhà sản xuất (producers) đến các công ty thương mại (portfolio players/ trading houses). Việc hợp tác với các nhà cung cấp LNG lớn, danh tiếng tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới sẽ giúp PV GAS linh hoạt hơn trong việc lựa chọn nguồn cung ứng với các điều khoản thương mại tối ưu.

Bên cạnh việc nhập khẩu LNG để bổ sung cho nguồn khí nội địa bị thiếu hụt, PV GAS sẽ đẩy mạnh cung cấp LNG nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy điện mới  và hộ công nghiệp trong tương lai.

Lãnh đạo PV GAS có mặt tại Cảng để chúc mừng và động viên toàn thể đội ngũ CBCNV đã nỗ lực cho chuyến tàu nhập khẩu LNG an toàn, đúng kế hoạch.
Lãnh đạo PV GAS có mặt tại Cảng để chúc mừng và động viên toàn thể đội ngũ CBCNV đã nỗ lực cho chuyến tàu nhập khẩu LNG an toàn, đúng kế hoạch.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

;
.