MỖI TUẦN MỘT VẤN ĐỀ

Chống IUU tại vùng biển giáp ranh, chồng lấn

Chủ Nhật, 09/07/2023, 19:33 [GMT+7]
In bài này
.

Vùng biển chồng lấn, giáp ranh có nguồn thủy sản phong phú, là nơi dễ xảy ra tình trạng tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải trái phép. Để tìm hiểu rõ hơn về công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại vùng biển này, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Đăng Hoài, Bí thư Đảng ủy Chi đội Kiểm ngư số 2.

* Phóng viên: Công tác phòng, chống IUU trên vùng biển chồng lấn, giáp ranh giữa Việt Nam, Indonesia và Malaysia thời gian qua được Chi đội Kiểm ngư số 2 triển khai như thế nào, thưa ông? 

- Ông Ngô Đăng Hoài: Sau khi Việt Nam bị EC cảnh báo "thẻ vàng", Chi đội Kiểm ngư số 2 đã triển khai hàng trăm lượt tàu để kiểm tra, kiểm soát ngư trường toàn vùng biển phía Nam, giáp ranh giữa nước ta với Indonesia, Malaysia và toàn bộ vùng biển DK1.

Trong quá trình tuần tra, các tàu đều xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, thanh tra ngư trường theo định kỳ ngày, tuần hoặc đột xuất khi có thông tin về tàu cá ngư dân hoạt động. Nếu phát hiện tàu cá khai thác trong vùng biển chủ quyền, cách đường phân định, mép dưới vùng chồng lấn với khoảng cách quy định thì các tàu kiểm ngư tiến hành theo các bước từ thấp đến cao, từ tổ chức bám sát, theo dõi; tiếp cận tuyên truyền; ngăn chặn, ép hướng đến tổ chức bao vây, bắt giữ, lập biên bản xử phạt hành chính chuyển về bờ bàn giao cho các cơ quan chức năng địa phương xử lý.

Kết quả, từ năm 2017 đến nay, các tàu của Chi đội Kiểm ngư số 2 đã lập biên bản 228 tàu cá; đề nghị xử phạt 84 tàu cá; tạm giữ 8 tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định của pháp luật khi hành nghề khai thác thủy sản trên biển. Các lỗi vi phạm chủ yếu của tàu cá như: không có nhật ký khai thác hải sản; đánh bắt sai vùng biển quy định trên giấy phép khai thác; không có hoặc tắt thiết bị giám sát hành trình; không có giấy phép khai thác hải sản.

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, tình trạng tàu cá Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ đã giảm hẳn.

Cán bộ Chi đội Kiểm ngư số 2 phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống IUU cho ngư dân.
Cán bộ Chi đội Kiểm ngư số 2 phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống IUU cho ngư dân.

* Thưa ông, tình hình khai thác hải sản của tàu cá Việt Nam ở vùng biển giáp ranh, chồng lấn với các nước Indonesia, Malaysia như nào?

- Đa phần các tàu cá ngư dân khai thác đúng pháp luật, tuy nhiên vẫn còn một số tàu chấp hành chưa nghiêm các quy định và pháp luật thủy sản, như: hoạt động khai thác sai vùng, tuyến; thiếu giấy tờ theo quy định, không đảm bảo các điều kiện về an toàn hàng hải; khai thác tự do, tự phát, sử dụng các hình thức đánh bắt tận diệt, như thuốc nổ, xung điện...

Bên cạnh đó, một bộ phận ngư dân thường dùng nhiều cách thức để vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác trái phép. Các tàu cá thường tập trung thành từng tốp 5-10 tàu hoạt động ở khu vực giáp ranh, tháo hệ thống giám sát hành trình AIS để lắp sang một tàu khác hoạt động trong khu vực biển của nước ta, các tàu còn lại lợi dụng đêm tối cơ động sang vùng biển nước ngoài khai thác.

Ngoài ra, một số tàu cá vi phạm thường sơn biển số giả, không có tên trong danh sách đăng ký, quản lý tại địa phương hoặc xuất bến tại địa phương khác, khó khăn cho việc xác minh thông tin; các tàu cá thường đã cũ, khi bị bắt các chủ tàu sẵn sàng bỏ tàu để không bị phạt.

* Để sớm gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam, Chi đội Kiểm ngư số 2 sẽ tập trung vào những giải pháp nào, thưa ông? 

- Tháng 10/2023, Đoàn Thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ tư về chống IUU. Các nước Indonesia, Malaysia cũng đang tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát, bắt giữ các tàu cá nước ngoài vi phạm. Họ coi việc đánh bắt thủy sản trái phép như là “hải tặc” và xử lý rất nghiêm, thậm chí có thể phá hủy tàu thuyền, phạt tiền, phạt tù đối với ngư dân, khi cần thiết sử dụng cả vũ khí bắn vào tàu, vào ngư dân để trấn áp.

Nhận thức sâu sắc tình hình trên, Chi đội Kiểm ngư số 2 sẽ kết hợp chặt chẽ giữa quản lý ngư trường và phòng, chống IUU. Cụ thể, chi đội sẽ chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, chính quyền địa phương kiểm tra, trao đổi thông tin về phương thức, cách thức của ngư dân ta sang vùng biển nước ngoài khai thác trái phép, trọng tâm là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau... theo Chỉ thị số 17 ngày 24/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và quá trình xử phạt các tàu cá vi phạm sau lập biên bản.

Khi thực hiện nhiệm vụ trên biển, các tàu của chi đội phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chấp pháp nắm chắc số lượng tàu cá ngư dân ta đang khai thác trên các vùng biển, đặc biệt là vùng giáp ranh để tiến hành tuyên truyền qua kênh liên lạc nghề cá và tiếp cận tuyên truyền trực tiếp để bà con nắm vững được những kiến thức pháp luật biển cần thiết, giúp bà con ngư dân khai thác hợp pháp, có trách nhiệm vì một nghề cá bền vững.

*Xin cảm ơn ông!

NHÂN ĐOÀN
(Thực hiện)

;
.