.

Ngư trường ngày càng cạn kiệt

Cập nhật: 18:37, 18/06/2023 (GMT+7)

Ngư trường ngày càng cạn kiệt trong khi chi phí đi biển ngày một tăng cao, khiến nhiều tàu cá đánh bắt thua lỗ, không đủ trang trải chi phí, phải nằm bờ. Do đó, triển khai các giải pháp khai thác bền vững nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản là việc làm cấp bách cần quan tâm hiện nay.

Phân loại cá sau chuyến đi biển hơn 2 tháng của tàu ông Trương Minh Tuấn (cảng Hưng Thái, huyện Long Điền).
Phân loại cá sau chuyến đi biển hơn 2 tháng của tàu ông Trương Minh Tuấn (cảng Hưng Thái, huyện Long Điền).

Ông Võ Duy Hổ, ở ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền có 2 tàu đi lưới rút đánh bắt xa bờ các loại cá đổng, cá nục, bạc má, cá ngừ. Tuy nhiên, gần 3 tháng nay tàu phải nằm bờ. Nguyên nhân do đánh bắt không có cá, chủ tàu thua lỗ nặng, không đủ chi phí để ra khơi. “Trước một chuyến biển đi về được 6-7 tấn cá, giờ chỉ được 1-2 tấn, giá bán cá lại giảm 30%”, ông Hổ nói.

Không chỉ tàu đi biển, các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá cũng bị ảnh hưởng. Do lượng hải sản đánh bắt giảm mạnh nên 4 tàu vận tải của ông Nguyễn Phúc (cảng Tân Phước, huyện Long Điền) đang nằm bờ và rao bán 3 tàu, chỉ còn 1 tàu đi cầm chừng. “Trước 4-5 ngày là các ghe đánh bắt cá đã gọi tàu tôi ra vận chuyển chở cá về bờ, giờ cả tháng mới được 1 chuyến”, ông Phúc cho biết.

PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, hiện nay nguồn lợi thủy sản Việt Nam đang bị cạn kiệt rất nhanh và môi trường biển Việt Nam đang ngày càng bị ô nhiễm.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, hàng năm tổng sản lượng thủy sản đánh bắt ở nước ta hơn 3,8 triệu tấn, trong đó có 95% là đánh bắt từ biển. Đây là sản lượng hải sản được đánh bắt rất lớn nếu so với khả năng khai thác tiềm năng của biển Việt Nam. Theo tính toán của Tổng cục Thủy sản, sản lượng hải sản có tiềm năng khai thác hàng năm ở vùng biển Việt Nam chỉ từ 2,3 - 2,6 triệu tấn/năm. Như vậy, sản lượng hải sản đánh bắt ở vùng biển Việt Nam hiện nay đang ở mức lớn gấp gần 1,5 lần mức cho phép.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự gia tăng của phương thức khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản. “Chính vì thế, việc tuyên truyền để bà con ngư dân hiểu để từ đó thay đổi nhận thức và cách đánh bắt, kết hợp với việc chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế cho ngư dân là rất cần thiết. Chỉ có cân bằng giữa bảo vệ sinh kế ngư dân và nguồn lợi hải sản mới bảo đảm phát triển thủy sản bền vững”, PGS.TS Vũ Thanh Ca nói.

Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, tỉnh đã có quy hoạch phát triển nghề khai thác thủy hải sản theo hướng giảm dần những nghề xâm hại đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, phát triển nghề có tính thân thiện với môi trường như lưới vây, rê khơi, nghề câu khơi kết hợp chụp mực.

Tỉnh cũng đang hoàn thiện đề án chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành nghiêm quy định pháp luật về khai thác hải sản, tỉnh cũng tạo nguồn vốn hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề theo hướng khai thác, nuôi trồng bền vững, nuôi thủy sản lồng bè theo hướng công nghệ cao.

Theo Sở NN-PTNT, tỉnh đã giảm dần và chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng số tàu cá trên địa bàn tỉnh đã giảm gần 20%, từ 5.812 chiếc năm 2020 còn 4.767 chiếc. Tàu cá giảm chủ yếu ở nghề khai thác gần bờ, hoặc tàu khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Trong đó, nghề lưới kéo (giã cào) thuộc thành phần này đã giảm 220 chiếc so với năm 2019, hiện còn 1.395 chiếc. Nhóm tàu khai thác vùng ven bờ, vùng lộng cũng giảm hơn 1.000 chiếc, còn 1.900 chiếc.

Bài, ảnh: NGUYÊN MINH

 
.
.
.