Thời tiết cực đoan, nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao
Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc- gia cầm thời gian qua được thực hiện tương đối tốt, không xảy ra các trường hợp dịch bệnh lớn, nguy hiểm xảy ra trên động vật. Tuy nhiên, để kịp thời phòng ngừa dịch bệnh xảy ra và lây lan, ngành nông nghiệp triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tỏa (ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) tiêm phòng cho heo con. |
Chủ động phòng, chống dịch
Gia đình ông Nguyễn Văn Tỏa (ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đang nuôi 70 con heo thịt và heo giống. Giá heo thấp, gia đình ông phải giảm đàn để giảm chi phí đầu vào nhưng ông vẫn bảo đảm các quy trình chăm sóc và tiêm phòng vắc xin cho đàn heo của gia đình.
Theo ông Tỏa, để bảo đảm đàn heo phát triển, ngoài cám, thức ăn, việc theo dõi sức khỏe và tiêm phòng các loại bệnh trên heo cũng quan trọng. Các cán bộ thú y của địa phương cũng thường xuyên hỗ trợ và nhắc nhở gia đình phun khử khuẩn chuồng trại và tiêm phòng cho đàn heo. Nhờ đó, đàn heo của gia đình ông phát triển tốt.
Còn trang trại gà của gia đình ông Nguyễn Hữu Tuấn (ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đang nuôi khoảng 30 ngàn con gà ta Bình Định và đang phát triển khá tốt. Ông Tuấn cho biết, đàn gà này nuôi khoảng 3,5 tháng là xuất chuồng, hiện nay đàn gà đã được 1,5 tháng. Thời điểm gà còn nhỏ sức đề kháng kém nên rất dễ nhiễm bệnh, vì vậy ông luôn theo sát để kịp thời phát hiện những bất thường trên đàn gà. “Thời tiết ẩm ướt là điều kiện khiến vi khuẩn sinh sôi nên tôi chủ động thực hiện các biện pháp phun khử trùng, vệ sinh chuồng trại và tiêm vắc xin cho gà. Mình chủ động trước để bảo đảm sức khỏe cho đàn gà và sức khỏe của gia đình”, ông Tuấn nói.
Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, trên địa bàn huyện có hơn 1,3 triệu con gia cầm. Địa phương tiếp giáp với tỉnh Đồng Nai, huyện Xuyên Mộc, TX. Phú Mỹ nên nguy cơ dịch xâm nhập là có. Ngay từ đầu năm, địa phương đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Địa phương cũng thường xuyên chỉ đạo các địa phương trong huyện rà soát tình hình chăn nuôi gia cầm của người dân, tăng cường triển khai các biện pháp phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm phòng vắc xin cho gia cầm theo quy định.
Tuyệt đối không giấu dịch, bán chạy vật nuôi bị bệnh
Theo Sở NN-PTNT, mặc dù đàn gia súc, gia cầm của tỉnh phát triển và tiêu thụ ổn định, nhưng theo đánh giá của Sở NN-PTNT, tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp và cực đoan sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, cộng với mầm bệnh còn tồn tại ngoài môi trường, hình thức chăn nuôi theo quy mô nông hộ nhỏ, lẻ không đảm bảo an toàn sinh học vẫn chiếm tỷ trọng cao khiến nguy cơ phát sinh dịch và lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi tại địa bàn tỉnh là rất cao.
Để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, ngành nông nghiệp tỉnh yêu cầu người chăn nuôi chủ động, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện thống kê chính xác tổng đàn gia súc, gia cầm. Các địa phương nắm bắt chính xác tổng đàn vật nuôi trên địa bàn để phối hợp với các ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch và dự trù vật tư, nhân lực, chủ động chống dịch, xử lý nhanh ổ dịch trong trường hợp khi có dịch bệnh xảy ra tại địa phương mình; thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh đối với các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải tiêm phòng như: bệnh Cúm gia cầm, Niu - cát - xơn trên gà, Lở mồm long móng gia súc, Dịch tả heo cổ điển, Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (Heo tai xanh), Viêm da nổi cục trâu bò...
Đồng thời, hướng dẫn và yêu cầu các hộ chăn nuôi vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chuồng trại và định kỳ có biện pháp ngăn chặn các loài trung gian truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài côn trùng; bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để giúp cho con vật nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh. Khi phát hiện con vật không bình thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, con vật đi đứng không bình thường, ....) cần tách nuôi nhốt riêng để theo dõi, kiểm tra và báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp xử lý thích hợp. Tuyệt đối không giấu dịch, cố bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường vì rất dễ làm dịch bệnh lây lan, bùng phát mạnh.
Tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh tính đến hết tháng 5/2023 là hơn 7 triệu con vật nuôi các loại, trong đó, tổng đàn heo gần 400 ngàn con, tăng 7,1% so cùng kỳ; tổng đàn gia cầm gần 6,5 triệu con, tăng 2% so cùng kỳ (trong đó có 4,42 triệu con gà, tăng 3%); tổng đàn trâu bò 54.352 con, tăng 2,9% so cùng kỳ; tổng đàn dê, cừu 95.208 con, tăng 3,2% so cùng kỳ. 5 tháng đầu năm 2023, các sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ thuận lợi, tốc độ tăng trưởng chăn nuôi tăng 4,47% so với cùng kỳ. |
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU