.
Giao thông kết nối, mở ra không gian kinh tế mới​

Kỳ 1: Biến ước mơ thành hiện thực

Cập nhật: 18:27, 12/06/2023 (GMT+7)

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Không phải ngẫu nhiên cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và cầu Phước An được Chính phủ và chính quyền Bà Rịa-Vũng Tàu đặc biệt quan tâm. Bởi, thực tế các công trình này nếu đưa vào sử dụng thời gian tới sẽ phát huy tối đa hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.

Dự án cầu Phước An đang được triển khai thực hiện đoạn đầu cầu, nơi tiếp giáp với đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải (TX.Phú Mỹ).
Dự án cầu Phước An đang được triển khai thực hiện đoạn đầu cầu, nơi tiếp giáp với đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải (TX.Phú Mỹ).

13 năm ấp ủ 

Những ngày này, người dân trong tỉnh đang rất háo hức khi biết thông tin cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu chuẩn bị được khởi công (dự kiến ngày 18/6 cùng với cầu Phước An). “Sau khi khởi công, tôi rất mong việc xây dựng cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ được gấp rút triển khai và đưa vào sử dụng. Lúc đó thời gian lưu thông sẽ nhanh hơn rất nhiều lần so với đi QL51 hiện nay”, ông Trần Văn Ngọc (ngụ TX.Phú Mỹ) hồ hởi nói.

Niềm mong ước của ông Ngọc cũng là tâm trạng chung của nhiều người dân từ bấy lâu nay. Bởi, QL51 hiện quá tải do lưu lượng phương tiện tăng gấp 3 lần so với 10 năm về trước, ảnh hưởng đi lại, lưu thông hàng hóa và cản trở sự phát triển cảng biển cũng như các lĩnh vực kinh tế khác. 

Các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An sẽ giúp giảm tải cho QL51.
Các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An sẽ giúp giảm tải cho QL51.

Trong khi đó, Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam-Đông Nam Bộ. Đây là vùng kinh tế sôi động nhất của cả nước, dù dân số chỉ chiếm 18% nhưng đóng góp tới 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, 36% tổng thu ngân sách quốc gia, 33% GDP cả nước. Tuy nhiên, hiện việc vận chuyển hàng hóa, hành khách trên hành lang TP.Hồ Chí Minh-Vũng Tàu, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cảng cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu chủ yếu bằng giao thông đường bộ thông qua QL51 và đường thủy nội địa. Do đó, xây dựng cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là vấn đề vô cùng cấp thiết.

Xác định tầm quan trọng của tuyến đường này, năm 2010, Chính phủ giao Bộ GT-VT phê duyệt đề xuất dự án đầu tư cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Dự án do liên danh gồm Tổng Công ty IDICO, Tổng Công ty Sông Đà và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (gọi tắt là BVEC) làm chủ đầu tư.

ÔNG PHẠM VIẾT THANH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH:

Tạo động lực mới cho phát triển​

Vùng Đông Nam Bộ nói chung và Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng rất cần hệ thống đường cao tốc kết nối để tạo ra động lực mới cho phát triển. Cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu nếu phát huy hết tác dụng sẽ mở ra con đường huyết mạch, tạo kết nối hạ tầng quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, tỉnh sẽ sớm triển khai, hoàn thiện dự án, kết nối hiệu quả, đồng bộ với các kết cấu hạ tầng chiến lược của quốc gia, tạo tiền đề và động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và vùng Đông Nam Bộ nói chung.

Tuy nhiên, vì không xác định được nguồn vốn đầu tư và phương án đầu tư không khả thi nên tháng 6/2015, BVEC chính thức bàn giao lại hồ sơ dự án cho Bộ GT-VT. Để thúc đẩy triển khai, thực hiện dự án, ngày 7/2/2020, Thủ tướng chấp thuận cho UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là cơ quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư như đề nghị của Bộ GT-VT. Ngày 18/3/2022, Bộ GT-VT có Tờ trình số 2647/TTr-BGTVT về việc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Sau khi được giao nhiệm vụ, ngay tại Kỳ họp thứ 7 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khóa VII diễn ra vào ngày 25/5/2022, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết thống nhất bố trí 670 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để chi trả 50% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án. Thủ tướng Chính phủ bố trí 1.018 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương để thực hiện dự án. Ngày 31/5/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HĐND bố trí bổ sung thêm 440 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh để chi cho công tác GPMB.

Xây cầu bắc qua sông Thị Vải

Không chỉ đầu tư cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, nhiều năm nay, vấn đề xây dựng cầu Phước An cũng được Chính phủ và lãnh đạo tỉnh quan tâm. Thị Vải là tên một con sông dài khoảng hơn 50km bắt nguồn từ suối Bưng Môn (xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), chảy theo hướng đông nam qua huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành (Đồng Nai), cuối cùng là TX.Phú Mỹ và huyện Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh) rồi đổ ra Biển Đông tại vịnh Gành Rái. Tuy nhiên, hiện tuyến sông này chưa có cây cầu bắc qua, gây khó khăn cho lưu thông và vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương trong khu tam giác kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu khi đi vào hoạt động sẽ góp phần phát huy tối đa tiềm năng khai thác của Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải.
Cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu khi đi vào hoạt động sẽ góp phần phát huy tối đa tiềm năng khai thác của Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải.

Do vậy, với tiềm năng phát triển về cảng biển, logistics và các KCN, khi bắt đầu hình thành cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) khoảng 10 năm trước, Bà Rịa-Vũng Tàu đã có chủ trương xây cầu Phước An để kết nối Cụm cảng CM-TV với các địa phương trong khu vực.

Thời điểm này, chủ trương xây cầu Phước An là bằng vốn đầu tư ODA Nhật Bản và đối tác công tư. Tuy nhiên, dự án gặp nhiều vướng mắc, trở ngại về nguồn vốn. Đến 2018, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thu hồi chủ trương đầu tư dự án cầu Phước An theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) để chuyển sang hình thức đầu tư bằng ngân sách nhà nước.

Nhiệm vụ quan trọng của ngành giao thông tỉnh hiện nay là tập trung khởi công cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu để giảm tải cho QL51 và xây dựng cầu Phước An kết nối cụm cảng Cái Mép-Thị Vải với cao tốc Bến Lức-Long Thành.
(Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT)

Đến năm 2020, nhận thấy dự án cầu Phước An có tính chất đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự kết nối giữa đường liên cảng CM-TV với hệ thống đường cao tốc trong khu vực, HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cầu Phước An, kết nối TX.Phú Mỹ và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Ngày 4/1/2022, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Phước An.

Tại Kỳ họp thứ 7 trên, HĐND tỉnh cũng thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án cầu Phước An. Do trong dự án có 0,26 ha rừng trồng nên phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thông tin, dự án cầu Phước An là hạng mục quan trọng kết nối đường liên cảng CM-TV với cao tốc liên vùng phía Nam và cao tốc Bắc-Nam. Dự án góp phần phát triển và khai thác hiệu quả hệ thống cảng CM-TV, khu Trung tâm dịch vụ logistics Cái Mép hạ, các KCN cùng nhiều dự án khác trong khu vực.

“Nếu chúng ta làm tốt những tuyến kết nối như cầu Phước An, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vũng Vằn-Vũng Tàu, đường ven biển… thì giai đoạn 2021-2026 cơ bản đã tạo ra nền tảng, đột phá thật sự về hạ tầng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh không chỉ cho giai đoạn này mà còn mở ra không gian kinh tế mới cho nhiều năm tới”, ông Phạm Viết Thanh nhấn mạnh.

Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu dài 53,7km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (sơ bộ) khoảng 17.837 tỷ đồng. Dự án chia thành 3 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 3 (Km34+200 - Km53+700) dài khoảng 19,5km đi qua Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng mức đầu tư dự kiến 5.190 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.333 tỷ đồng. Dự kiến, công trình hoàn thành, đưa vào khai thác cuối năm 2025.
Dự án cầu Phước An dài gần 4,4km, trong đó phần cầu dài hơn 3,5km đường dẫn lên cầu dài 247m, đường dẫn kết nối với đường xuống cảng Phước An dài hơn 600m. Công trình có tổng mức đầu tư gần 4.900 tỷ đồng, trong đó, giá trị xây lắp hơn 3.800 tỷ đồng. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 15,53ha. Trong đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là 6,87ha, tỉnh Đồng Nai là 8,66ha. Tiến độ dự án là 5 năm kể từ ngày khởi công công trình (từ tháng 12/2022 đến tháng 12/2027).

Bài, ảnh: TRÚC GIANG-QUANG VINH-NHẬT LINH-MẠNH THẮNG

.
.
.