Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh thị trường chung đi ngang, nhóm cổ phiếu dầu khí bất ngờ đi ngược lại xu thế với sắc xanh phủ rộng hầu hết các cổ phiếu như: PVS, PVD, BSR, PVB, PVC, PLX, OIL… Các chuyên gia chứng khoán nhận định, đà tăng của nhóm cổ phiếu này được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực từ các dự án dầu khí tỷ USD trong nước.
Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng ở mức hai con số
Một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất phải kể đến là PVS - Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam. Chỉ trong vòng một tháng qua, cổ phiếu của DN này đã tăng 21% thị giá. Còn nếu so với hồi đầu năm, cổ phiếu này tăng tới 35%, giao dịch ở mức 35.000 đồng/cổ phiếu.
Trong công bố mới đây về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh quý đầu năm, doanh thu thuần của PVS giảm nhẹ 1,7% xuống 3.704 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp quý 1 tăng 5,8% nhờ biên lợi nhuận gộp mảng Cơ khí & Xây lắp (M&C).
Điều đáng nói, dù là DN hoạt động trong lĩnh vực dầu khí nhưng PVS lại hưởng lợi từ Quy hoạch điện VIII (QHĐ 8) vừa được Chính phủ phê duyệt. Theo nội dung của QHĐ 8, Chính phủ có định hướng ưu tiên phát triển điện khí sử dụng các nguồn khí nội địa để giảm sự phụ thuộc vào nguồn LNG nhập khẩu. Đều này có thể thúc đẩy các dự án phát triển mỏ khí trị giá nhiều tỷ đô vốn bị đình trệ lâu nay như dự án Lô B và Cá Voi Xanh nhằm đảm bảo nguồn khí trong nước, do đó PVS sẽ hưởng lợi khi tham gia vào lĩnh vực xây lắp.
Bên cạnh đó, PVS sẽ rẽ hướng sang đầu tư điện gió ngoài khơi, cùng với việc cung cấp dịch vụ dầu khí truyền thống. Hiện tại PVS đã giành được hợp đồng M&C để sản xuất 33 chân đế cho các trang trại điện gió ngoài khơi của Orsted (Đài Loan). Công ty đang đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu và đang hướng tới châu Úc.
Ngoài PVS, chốt phiên giao dịch cuối tháng 5 vừa qua, hầu hết giá cổ phiếu các công ty dầu khí đều tăng trưởng hai con số so với hồi đầu năm nay. Chẳng hạn, BSR giao dịch 17.000 đồng/cổ phiếu, tăng 20%; PVD tăng 30%, giao dịch 24.200 đồng/cổ phiếu; OIL tăng 23%, giao dịch 10.200 đồng/cổ phiếu, PLX tăng 14%, giao dịch 37.500 đồng/cổ phiếu; đặc biệt PVB tăng lên 67% khi giao dịch ở mức 19.800 đồng/cổ phiếu.
Khu vực cảng của Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam. |
Triển vọng ngành dầu khí nửa cuối năm
Nhìn lại bức tranh quý I/2023, nhóm các DN dầu khí đều công bố những con số về hoạt động, sản xuất kinh doanh khả quan khi giá dầu vẫn duy trì mức 80 USD/thùng. Một số DN đã thực hiện được khoảng 50% mục tiêu cả năm.
Chẳng hạn, tại Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT). Đây là đơn vị duy nhất tại Việt Nam vận chuyển dầu thô khai thác trong nước cho 2 nhà máy lọc dầu. Quý đầu năm, PVTrans ghi nhận doanh thu thuần gần như đi ngang so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 24% lên 240 tỷ đồng do gia tăng hiệu quả khai thác đội tàu và hiệu quả hoạt động tài chính. So với kế hoạch, DN đã thực hiện được 45% chỉ tiêu lợi nhuận.
Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT PVTrans thông tin, năm nay, thị trường vận tải biển quốc tế được dự báo vẫn tương đối tích cực trong bối cảnh nguồn cung tàu giới hạn lợi; theo đó nhuận năm nay của PVTrans có thể vượt 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Drilling, lãnh đạo DN này cho biết hiện tại công ty đã thu xếp được việc làm liên tục và ổn định cho các giàn khoan sở hữu trong năm 2023 với đơn giá dịch vụ đã được cải thiện. Giá thuê những giàn khoan của công ty đã tăng 30 - 35% so với năm ngoái, có những giàn tăng tới 40%, cho thấy những tín hiệu tích cực của thị trường. PV Drilling dự báo lợi nhuận sau thuế có thể đạt hơn 200 tỷ đồng, gấp đôi so với kế hoạch đưa ra.
Bài, ảnh: PHAN HÀ