.

Cấp bách chống ngập mùa mưa

Cập nhật: 18:53, 13/06/2023 (GMT+7)

Các giải pháp chống ngập đã được cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai nhằm hạn chế tối đa tình trạng ngập úng cục bộ kéo dài khi có mưa lớn.

Công nhân Busadco nạo vét cống thoát nước trên đường Bacu (TP. Vũng Tàu) để bảo đảm nước mưa được lưu thoát nhanh.
Công nhân Busadco nạo vét cống thoát nước trên đường Bacu (TP. Vũng Tàu) để bảo đảm nước mưa được lưu thoát nhanh.

Địa bàn nóng về ngập úng

Mùa mưa năm 2023 bắt đầu từ giữa tháng 5, đến đầu tháng 6 đã có những trận mưa lớn khiến nhiều “điểm nóng” của TP.Vũng Tàu bị ngập sâu. Theo khảo sát của Công ty CP Khoa học - Công nghệ Việt Nam (Busadco), TP.Vũng Tàu còn 30 điểm ngập úng cục bộ và 2 điểm ngập thường xuyên. Các điểm thường xuyên ngập sâu gồm: Lưu vực Bãi Trước; lưu vực kênh Bến Đình, lưu vực hồ Bàu Trũng; lưu vực hồ Rạch Bà, đường 30/4 (đoạn từ giao lộ Lê Quang Định đến Nguyễn Hữu Cảnh), đường Nguyễn Thiện Thuật (đoạn từ Phạm Văn Dinh đến Nguyễn Hữu Cảnh) và ngã ba Bến Nôm giao Hàn Thuyên.

Busadco cũng nhận diện các tuyến đường có nguy cơ ngập cao nếu mưa lớn như Lê Lợi, Thùy Vân, Hạ Long - Quang Trung, Bacu, Hoàng Hoa Thám, Phó Đức Chính, La Văn Cầu, Hoàng Diệu, ngã năm Lê Hồng Phong, ngã ba Thống Nhất mới, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Hữu Cảnh, đường 3/2…

Ông Nguyễn Sĩ Quế, Phó Giám đốc Ban Kinh tế - Kỹ thuật Busadco cho biết, theo quy hoạch tổng thể thoát nước TP.Vũng Tàu, thành phố có 7 hồ điều hòa tham gia hệ thống thoát nước với tổng diện tích 219ha. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ có 32,68ha hồ điều hòa còn đáp ứng cho mục đích thoát nước, chiếm 15% so với quy hoạch. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ trên địa bàn TP.Vũng Tàu kéo dài suốt nhiều năm qua. Ngoài ra, quãng đường để nước lưu thoát từ các hồ chứa như hồ Võ Thị Sáu, hồ Bàu Sen xả ra nguồn tiếp nhận tại cống ngăn triều Rạch Bà, Cửa Lấp khá xa, làm giảm khả năng thoát nước.

Theo ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, ngoài các nguyên nhân gây ngập cục bộ như trên thì quá trình đô thị hóa dẫn đến một số ao hồ, vũng trũng, khu vực hạ lưu thoát nước bị san lấp cũng là nguyên nhân làm giảm khả năng thoát nước tự nhiên của thành phố. Trước đây khi mưa lớn, các dãy ao, hồ, vũng trũng nêu trên góp phần quan trọng trong việc trữ nước, nhưng hiện tại do đã bị san lấp nên toàn bộ nước mưa thoát về các tuyến kênh, mương và hồ hiện hữu gồm kênh Đồng Sát 1, 2, 3, kênh thoát nước chính, hồ Võ Thị Sáu, hồ Bàu Sen, hồ Bàu Trũng và hồ Rạch Bà, dễ gây nên tình trạng ngập úng khi nước thoát không kịp.

Busadco đã lắp đặt thiết bị đo mực nước tại các hồ điều hòa, kênh dẫn dòng, cửa xả Rạch Bà và Cửa Lấp tại lưu vực hồ Bàu Sen và Cửa Lấp.
Busadco đã lắp đặt thiết bị đo mực nước tại các hồ điều hòa, kênh dẫn dòng, cửa xả Rạch Bà và Cửa Lấp tại lưu vực hồ Bàu Sen và Cửa Lấp.

Nhiều giải pháp chống ngập 

Trước thực trạng trên, ngay từ đầu năm Busadco đã triển khai đồng loạt các giải pháp như nạo vét kênh mương, cống hộp, khơi thông dòng chảy... Đến nay, Busadco đã thực hiện xong nạo vét giai đoạn 1, giai đoạn 2 và đang thực hiện nạo vét giai đoạn 3, dự kiến hoàn thành vào ngày 18/6. Khối lượng nạo vét 3 giai đoạn đạt khoảng 70% kế hoạch.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc Xí nghiệp thoát nước Vũng Tàu (Busadco) cho biết, Busadco cơ bản đã nạo vét xong các tuyến thoát nước huyết mạch, các trục chính thoát nước của các lưu vực trên địa bàn TP.Vũng Tàu. Cụ thể, tuyến kênh thoát nước chính, Busadco đã nạo vét 14,3km; tuyến cống D1200-1500 đã nạo vét 15,9km; tuyến cống D700-1000 đã nạo vét 68,8km và tuyến cống D300-600 đã nạo vét 95,8km.

“Song song đó, công ty cũng tháo dỡ vật che chắn tại các miệng xả, hố thu; bảo dưỡng cửa cống ngăn triều, cống điều tiết triều, van lật giếng tách dòng. Ngoài ra, để bảo đảm thoát nước tốt trong mùa mưa năm 2023, Busadco đã nạo vét các hố thu nước của tuyến đường, hẻm”, ông Ánh nói. 

Chính quyền TP. Vũng Tàu giao các phường thực hiện giải tỏa các hộ dân lấn chiếm kênh mương thoát nước để Busadco thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy. Trong ảnh: Khơi thông kênh thoát nước chính đoạn qua địa bàn phường 10, TP.Vũng Tàu.
Chính quyền TP. Vũng Tàu giao các phường thực hiện giải tỏa các hộ dân lấn chiếm kênh mương thoát nước để Busadco thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy. Trong ảnh: Khơi thông kênh thoát nước chính đoạn qua địa bàn phường 10, TP.Vũng Tàu.

Để hạn chế tình trạng ngập úng xảy ra trong thời gian quá lâu như mùa mưa năm ngoái, Busadco đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thoát nước kịp thời như thi công lắp đặt thêm đoạn cống D1000 qua đường tại hẻm 442 Bình Giã và 30m cống D1200 nối từ hồ Bàu Sen ra mương hở Lê Hồng Phong để tăng tiết diện thoát nước cho tuyến kênh thoát nước chính của thành phố khi mưa lớn. 

Ngoài ra, Busadco đã lắp đặt thiết bị đo mực nước tại các hồ điều hòa, kênh dẫn dòng, cửa xả Rạch Bà và Cửa Lấp tại lưu vực hồ Bàu Sen và Cửa Lấp. Đồng thời phối hợp với phòng Quản lý đô thị thành phố và UBND các phường: 10, 11, 12, Nguyễn An Ninh, Rạch Dừa xử lý các hộ dân lấn chiếm kênh thoát nước chính thành phố, kênh Đồng Sát 1 và các tuyến thuộc dự án ODA. Với các công trình đang thi công giao cắt với tuyến thoát nước như: đường Hàng Điều, Cầu Cháy, Rạch Bà... Busadco phối hợp chủ đầu tư, đơn vị thi công có phương án xử lý giao cắt nhằm đảm bảo thoát nước trong mùa mưa 2023.

Tại TP.Bà Rịa, TX.Phú Mỹ và các huyện, Busadco đã xây dựng phương án thoát nước cụ thể cho từng khu vực. Theo đó, TP.Bà Rịa được chia làm 4 lưu vực thoát nước chính: lưu vực sông Dinh, lưu vực rạch Thủ Lựu, lưu vực suối khu Tây (bao gồm 2 xã Hòa Long và Long Phước) và khu vực thoát nước suối Chùa. Từ đầu năm đến nay, Busadco đã nạo vét, khơi thông dòng chảy ở các lưu vực thoát nước chính trên địa bàn TP.Bà Rịa.
Tại TX. Phú Mỹ, công ty cũng thường xuyên kiểm tra nạo vét khơi thông các cống trên QL51 mặc dù tuyến đường này không thuộc quản lý thoát nước của Busadco (thuộc Tổng cục đường bộ, Bộ GT-VT). Trong khi đó, các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền, nguy cơ ngập không cao và khó xảy ra nguy cơ ngập trên diện rộng. Tuy nhiên, Busadco cũng xây dựng phương án chống ngập cụ thể, đề phòng mưa lớn.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.