Thúc đẩy dòng chảy hàng hóa thông qua khu vực Cái Mép-Thị Vải

Thứ Bảy, 20/05/2023, 13:29 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 20/5, UBND tỉnh phối hợp với Công ty CP Gemadept tổ chức tọa đàm giải pháp thúc đẩy dòng chảy hàng hóa thông qua khu vực Cái Mép-Thị Vải (CM-TV). 

Mục tiêu của tỉnh là tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế CM-TV thành cảng trung chuyển quốc tế, có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới. Trong anh: Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Gemalink
Mục tiêu của tỉnh là tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế CM-TV thành cảng trung chuyển quốc tế, có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Gemalink

Chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh

Chỉ ra thế mạnh then chốt của cảng biển khu vực CM-TV, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam cho rằng, CM-TV thuộc nhóm cảng biển số 4. Các nhà đầu tư khai thác cảng và hãng tàu lớn. Thời gian quay vòng cảng thấp nhất trong ASEAN, lại đa dạng tuyến, rút ngắn thời gian trực tiếp từ cảng khu vực CM-TV đi thẳng qua châu Âu. Vì vậy, cảng có khả năng kết nối với các khu vực cảng lân cận bằng đường thủy và đường bộ rất thuận tiện.

Đặc biệt, hệ thống cảng tại Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trên trục cửa ngõ kết nối hàng hải quan trọng của Việt Nam ra thế giới với mớn nước sâu có thể tiếp cận tàu container trên 20.000 TEU, hệ thống cảng CM-TV đảm nhận 70-80% sản lượng hàng hóa xuất khẩu của đồng bằng Sông Cửu Long…

Bà Phạm Thị Bảo Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vina Logistics - VNL (đơn vị trực tiếp khai thác Cảng Tổng hợp dịch vụ Hưng Thái) cho rằng, hạn chế của CM-TV là các cảng được phân bổ rải rác và hầu hết đều hạn chế về chiều dài cầu tàu (trung bình 600m bến/cảng) trong khi kích cỡ tàu cập cảng khu vực Cái Mép ngày càng tăng, chiều dài tàu lên tới 400m. Do đó, cảng chỉ tiếp nhận được một tàu mẹ làm hàng tại một thời điểm, khiến các cảng dư thừa cầu bến, gây lãng phí đầu tư.

Để chảy hàng hóa thông qua khu vực CM-TV, tỉnh cần tăng cường hệ thống hạ tầng kết nối cảng biển. Trong ảnh: Xếp dỡ container tại Cảng Hưng Thái
Để chảy hàng hóa thông qua khu vực CM-TV, tỉnh cần tăng cường hệ thống hạ tầng kết nối cảng biển. Trong ảnh: Xếp dỡ container tại Cảng Hưng Thái

Ngoài ra, vị trí các cảng nằm độc lập nên việc luân chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, việc luân chuyển hàng hóa giữa tàu mẹ và các tàu feeder, tàu nội địa, sà lan, từ bãi cảng này đến bãi cảng khác... đều phải làm thủ tục niêm phong, kẹp chì, mở tờ khai chuyển cảng… Dẫn tới, thời gian hoàn thiện thủ tục kéo dài, dẫn đến các hãng tàu còn e dè trong việc quyết định tăng sản lượng hàng trung chuyển tại khu vực Cái Mép.  

Ông Phạm Quang Huy, chuyên viên cao cấp của Tập đoàn Gemadept phân tích, điểm hạn chế của cảng biển khu vực CM-TV như hệ sinh thái dịch vụ logistics cảng biển chưa được đầu tư đầy đủ nên khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng, vẫn chưa khai thác hết lợi thế tự nhiên khi lượng hàng trung chuyển quốc tế qua cảng biển CM-TV còn thấp chỉ 5-10%...

Cần tạo hệ sinh thái logistics đồng bộ

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu  tại buổi tọa đàm
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast) cho biết, để chảy hàng hóa thông qua khu vực CM-TV, tỉnh cần tăng cường hệ thống hạ tầng kết nối cảng biển. Trong đó, sớm hoàn thành mở rộng tuyến quốc lộ 51, đường liên cảng CM-TV, triển khai cầu Phước An, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, các tuyến cao tốc liên vùng. Bên cạnh đó, cho phép tàu nước ngoài thực hiện gom hàng xuất nhập khẩu từ các cảng nội địa về CM-TV.  

Theo bà Phạm Thị Bảo Hạnh, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung CM-TV, duy tu nạo vét luồng vào các cảng nội địa khu vực  CM-TV, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính về hàng hóa trung chuyển qua cảng.  

Việc quy hoạch quỹ đất sạch để tạo không gian hình thành hệ sinh thái logistics cũng được các chuyên gia, DN cảng đặc biệt lưu tâm. Cùng với đó, đề xuất phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistcs; có cơ chế chính sách thu hút nguồn hàng cũng như sự đồng hành tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN của phía chính quyền tỉnh.

Kết luận tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, mục tiêu của tỉnh là tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế CM-TV thành cảng trung chuyển quốc tế, có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới.

Tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực để nâng cao khả năng kết nối giao thông của tỉnh (đường bộ, đường thủy nội địa và trong tương lai là đường sắt), cũng như tập trung phát triển hệ sinh thái dịch vụ logistics như hệ thống kho bãi, cảng cạn, trung tâm logistics, đại lý hãng tàu, đại lý môi giới hàng hải...

Việc nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực công để tạo thuận lợi cho DN cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý hệ thống cảng CM-TV.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN  

 

 

;
.