.

Nguồn vốn ủy thác được sử dụng hiệu quả

Cập nhật: 19:47, 07/05/2023 (GMT+7)

Đó là nhận định của bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam trong chuyến kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) của Hội LHPN tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cuối tháng 4 vừa qua.

Đoàn kiểm tra, giám sát của Trung ương Hội LHPN Việt Nam tham quan vườn bưởi sạch của gia đình chị Nguyễn Thị Phương Mai (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba).
Đoàn kiểm tra, giám sát của Trung ương Hội LHPN Việt Nam tham quan vườn bưởi sạch của gia đình chị Nguyễn Thị Phương Mai (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba).

Vươn lên thoát nghèo

Trong chuyến kiểm tra, giám sát, Đoàn ghé thăm mô hình trồng bưởi da xanh có diện tích hơn 3.000m2 của gia đình chị Nguyễn Thị Phương Mai (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba). Trước năm 2017, trên diện tích đất này chị Mai trồng các loại cây ăn trái và gần 20 gốc bưởi. Do thiếu vốn, kinh nghiệm chăm sóc nên vườn bưởi phát triển kém, thu nhập cũng bấp bênh.

Năm 2017, thông qua tổ chức Hội LHPN, chị Mai vay 50 triệu đồng từ NHCSXH trồng thêm gần 70 gốc bưởi. Đầu năm 2023, chị Mai đáo hạn ngân hàng, vay 50 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt, mua phân bón tích cực chăm sóc vườn bưởi. Chị cũng tham gia vào tổ hợp tác trồng bưởi da xanh do Hội LHPN xã thành lập. Từ đây thương hiệu bưởi ngon-sạch của phụ nữ càng vươn xa. Bưởi da xanh của tổ hợp tác trở thành sản phẩm không thể thiếu trong các gian hàng khởi nghiệp của Hội LHPN xã, huyện, tỉnh tổ chức.

“Khi chưa có vốn, trồng cây hay nuôi con gì cũng khó khăn. Nhờ sự quan tâm kịp thời của tổ chức Hội, mỗi năm, vườn bưởi da xanh cho thu nhập hơn 100 triệu đồng, kinh tế gia đình tôi vững vàng hơn. Tôi cũng có nơi sinh hoạt và xây dựng được thương hiệu bưởi sạch tại địa phương”, chị Mai chia sẻ. 

Chị Mai cho biết thêm, hằng tháng, Chi hội Phụ nữ ấp (tổ vay vốn NHCSXH) đến tận nhà chị thu tiền lãi, hóa đơn chứng từ đầy đủ. Mỗi tháng, chị đóng thêm 100 ngàn đồng tiết kiệm. Bên cạnh đó, các chế độ ưu đãi cũng được nhân viên ngân hàng phổ biến nên chị nắm rất chắc.

Cũng vươn lên từ nguồn vốn NHCSXH, bà Lê Thị Kim Thanh (KP.Phước Hưng, phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) là phụ nữ đơn thân khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Trước năm 2021, bà phụ bán tạp hóa cùng chị gái. Năm 2021, được Hội LHPN phường tín chấp vay 70 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm từ NHCSXH, bà mua máy may, máy vắt sổ, nhận quần áo về may-sửa tại nhà. Nhận thấy nhiều công nhân tại địa phương cần nơi giặt ủi quần áo, bà mua thêm máy giặt, máy sấy kiếm thêm thu nhập.

Tận dụng nơi ở nằm mặt tiền QL51 và nguồn vốn tích góp, đầu năm 2023, bà mua thêm máy pha cà phê bán vào những ngày cuối tuần. Từ sự chăm chỉ của bản thân, đến nay, mỗi ngày, bà thu về 400-600 ngàn đồng, kinh tế gia đình ổn định, hằng tháng bà trả lãi và đóng thêm tiền tiết kiệm vào NHCSXH để có thêm nguồn vốn về lâu dài.

Tạo thói quen tiết kiệm khi vay vốn

Nguồn vốn NHCSXH từ lâu là cứu cánh giúp nhiều hội viên vượt khó vươn lên, qua hoạt động tín chấp của Hội LHPN. Song song đó, hoạt động kiểm tra, giám sát được Hội LHPN các cấp thường xuyên thực hiện, nguồn vốn tới tay hội viên hầu hết đều được sử dụng đúng mục đích vào trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư buôn bán… và có lãi.

Bà Bùi Thị Sen, Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức cho biết, đầu năm 2022 đến nay, các cấp Hội LHPN toàn huyện quản lý 72 tổ vay vốn và tiết kiệm hơn 164 tỷ đồng/3.404 hộ vay. Hằng năm, Hội LHPN huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức đoàn kiểm tra giám sát qua các hình thức như: Nghe báo cáo, kiểm tra hồ sơ sổ sách về hoạt động vay vốn; trực tiếp kiểm tra tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hội viên vay vốn. Từ đó, Hội đã kịp thời phát hiện, hướng dẫn và giải quyết những tồn tại trong quản lý cho vay.

Nếu như đầu năm 2022, huyện Châu Đức có 402 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thì đến quý I/2023, chỉ còn 366 hộ. Năm 2022, tỷ lệ nợ quá hạn thông qua kênh của phụ nữ là 0,0048%. Tuy ở mức “cho phép” nhưng không vì thế mà chủ quan, cán bộ hội thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở việc thu hồi nợ, đồng thời quản lý chặt chẽ và không ngừng phát huy hiệu quả vốn vay.

Bà Vương Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhận định, thói quen có lợi mà chị em “gặt hái” trong hoạt động hỗ trợ vay vốn của Hội chính là tiết kiệm. Vừa phát triển kinh tế, vừa thực hành tiết kiệm là phương châm được các cấp Hội thường xuyên truyền đạt để hội viên hiểu và thực hiện, vì mục tiêu phát triển kinh tế gia đình bền vững.

Đánh giá cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn NHCSXH tại Bà Rịa-Vũng Tàu, bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Giám đốc Ban tín dụng người nghèo, NHCSXH Việt Nam cho biết thêm, Hội LHPN các cấp của tỉnh đã chỉ đạo các tổ, nhóm duy trì sinh hoạt theo điều lệ hội và quy chế của tổ tiết kiệm và vay vốn đúng yêu cầu, Các cấp Hội cũng đã triển khai chương trình của ngân hàng đến từng hội viên và nguồn vốn được giải ngân nhanh, đúng đối tượng và đạt hiệu quả cao. 

Bài, ảnh: MAI NGỌC

.
.
.