Kỳ 2: Làm gì để giữ nguồn nhân lực?
BÀI LIÊN QUAN:
Tình trạng thiếu lao động đi biển không mới, diễn ra trong nhiều năm qua. Do đó, để phát triển nghề khai thác hải sản, việc tăng sức hút lao động đi biển đang là vấn đề cần sớm được giải quyết.
Vận chuyển cá lên bờ ở Cáng cá Lộc An (huyện Đất Đỏ). |
Cần có chính sách thu hút lao động đi biển
Theo ông Nguyễn Quang Anh (chủ ghe ở khu phố Hải Điền, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền), nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá thiếu bạn ghe là do nghề biển đối diện nhiều rủi ro như: thiên tai, nguy cơ tai nạn khi hành nghề cao, công việc cực nhọc nhưng thu nhập lại ngày càng giảm.
Nếu lúc trước lao động đi biển có thu nhập từ 12-15 triệu đồng/tháng thì nay chỉ còn 7-8 triệu đồng/tháng. Nhiều bạn ghe sau thời gian đi biển đã bỏ nghề lên bờ làm công nhân, phụ hồ hoặc các nghề khác ít rủi ro hơn.
Ông Anh cho rằng, Nhà nước nên có các chính sách hỗ trợ người học nghề đi biển để thu hút lao động hơn cũng như chính sách hỗ trợ tàu cá đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để gia tăng sản lượng thủy sản khai thác.
Một nguyên nhân khác, theo ông Nguyễn Văn Tôn (ngư dân ở phường 11, TP.Vũng Tàu) là đang có tình trạng xuất khẩu lao động sang các nước có nguồn thu nhập cao hơn.
“Ở Hàn Quốc, lao động đi biển có thu nhập thấp nhất là 40-50 triệu đồng/tháng, một số nghề đặc thù còn có mức lương 70-80 triệu đồng/tháng. Ở Đài Loan là 20-30 triệu đồng/tháng. Số ngư dân ở miền Trung đi xuất khẩu lao động theo dạng này rất nhiều, trong khi đó 70% lao động đi biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu là đến từ các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình”, ông Tôn nói.
Để thu hút lao động trở lại, ngành khai thác thủy sản phải có giải pháp tăng thu nhập cho ngư dân, thông qua việc tăng giá trị sản phẩm. Theo đó, ngành phải có lộ trình chuyển đổi nghề nghiệp, trước mắt là cấm các nghề có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Sau đó có lộ trình cấm biển cho tất cả các ngành nghề theo mùa sinh sản của các loài hải sản.
“Kinh nghiệm của nước ngoài là họ không giám sát trên biển mà kiểm soát ở các cảng cá và chợ đầu mối hải sản. Vào mùa sinh sản loại cá, hải sản nào, cấm khai thác loại đó, ở cảng cá khi tàu cập bến hay ở chợ thấy có loại cá đó là cơ quan chức năng tịch thu, xử phạt nặng ngay. Ghe tàu đi đánh bắt không có nơi tiêu thụ sẽ tự động không khai thác loại hải sản đó nữa”, ông Tôn chia sẻ.
Để phát triển bền vững ngành thủy sản, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về khai thác hải sản, tỉnh cũng tạo nguồn vốn hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề theo hướng khai thác, nuôi trồng bền vững, nuôi thủy sản lồng bè theo hướng công nghệ cao. Đồng thời tăng cường chế biến sâu, chế biến các mặt hàng tinh chế nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
|
Quy hoạch lại nghề cá
Theo bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, nghề biển là một nghề truyền thống, có tính chất cha truyền con nối. Thời gian gần đây, khi cuộc sống khấm khá hơn, con em các ngư dân được đầu tư học hành nhiều ngành nghề khác nên không mấy người trẻ còn gắn bó với nghề đi biển của cha ông vốn cực khổ và nhiều rủi ro.
Mặt khác, do nguồn lợi thủy sản khai thác ngày càng ít, thu nhập giảm đi nên theo cung cầu thị trường, lao động có xu hướng chuyển qua làm các ngành nghề khác có thu nhập cao hơn.
Ngoài ra, tham gia hoạt động khai thác hải sản không chỉ có lao động trong tỉnh mà còn có một phần lớn ngoài tỉnh, chủ yếu là lao động phổ thông đến từ các tỉnh miền Tây và miền Bắc Trung bộ. Do là lao động thời vụ, không có sự ràng buộc nên các lao động ở lĩnh vực này thiếu sự gắn bó với chủ tàu và hay bỏ việc, nhảy việc khi được chủ tàu khác trả lương cao hơn.
Trong thời gian tới, ngành thủy sản tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát triển nghề cá bền vững, giảm dần số lượng và tăng dần chất lượng đội tàu đánh bắt xa bờ; sắp xếp, cơ cấu lại việc khai thác, chế biến hải sản theo hướng bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
“Thời gian qua tỉnh đã giảm dần và chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là các biện pháp cấm hoạt động khai thác trong mùa sinh trưởng, cấm đóng mới tàu giã cào bay, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân”, bà Na nói.
Ông Phan Thạch, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) cho rằng, xét về góc độ Nhà nước, nếu có một kế hoạch dài hơi và cụ thể cho việc quy hoạch vùng đánh bắt, hỗ trợ ngư dân phát triển công nghệ đánh bắt chuyên nghiệp, hiện đại vừa để chọn đúng chủng loại đánh bắt, vừa bảo vệ nguồn lợi hải sản. Đồng thời, ổn định giá cả và nguồn thu mua, qua đó nâng cao chất lượng đánh bắt, tăng thu nhập cho lao động nghề biển thì sẽ thu hút lại được lao động.
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH