Khó khăn bủa vây ngành dệt may

Thứ Năm, 04/05/2023, 19:40 [GMT+7]
In bài này
.

Ngành dệt may đóng góp khoảng 35% vào kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, do thiếu hụt đơn hàng từ 30-70%, doanh thu sụt giảm khiến các DN ngành may gặp khó khăn trong việc bảo đảm mục tiêu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và giữ chân người lao động.

Các doanh nghiệp dệt may đang gặp khó khăn do thiếu đơn hàng. Trong ảnh: Công nhân Công ty may tại KCN Châu Đức trong giờ làm việc.
Các doanh nghiệp dệt may đang gặp khó khăn do thiếu đơn hàng. Trong ảnh: Công nhân Công ty may tại KCN Châu Đức trong giờ làm việc.

Thiếu hụt đơn hàng

Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (huyện Châu Đức) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sợi xuất khẩu. Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn hàng của công ty sụt giảm, mỗi tháng chỉ xuất khẩu khoảng 3.000 tấn sản phẩm sợi các loại, giảm 50% so với cùng kỳ. 

Ông Song Da Tao - Adrian, Tổng Giám đốc công ty cho biết, từ đầu quý II/2022 đến nay, thị trường bắt đầu lao dốc. Đặc biệt, ngành dệt may chịu tác động lớn từ xung đột Nga - Ukraine, nguyên vật liệu tăng giá từ 50-60% so với trước đây. Mặc dù lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng sản phẩm gặp khó về đầu ra nên công ty thiếu vốn, khiến DN phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cũng theo ông Song Da Tao - Adrian, khó khăn về đơn hàng còn dẫn đến tình trạng người lao động thiếu việc làm, khó giữ chân 1.700 lao động.

“Ban lãnh đạo công ty đã và đang tìm cách khắc phục theo hướng không sa thải công nhân, nhưng sẽ giãn giờ làm để duy trì lực lượng lao động, chờ thị trường phục hồi. Chúng tôi kỳ vọng ngành dệt may sẽ khởi sắc hơn. Bởi, đây là thời điểm phải chuẩn bị cung cấp nguồn nguyên liệu cho mùa sản xuất thu đông năm 2023”, ông Song Da Tao - Adrian cho hay.

DN lớn đã khó về đơn hàng, các DN có quy mô nhỏ càng khó khăn gấp bội. Điển hình như là Công ty TNHH May mặc Thăng Long có quy mô chỉ 70 đầu máy với 30 công nhân và vừa đi vào hoạt động 2 năm nay. Từ đầu năm 2023 đến nay, công ty hầu như không có đơn hàng mới, còn các đơn hàng truyền thống giảm đến 70%. Để duy trì hoạt động cho người lao động, công ty nhận các đơn hàng nhỏ, gia công quần áo bán tại chợ hoặc túi xách. “DN gặp nhiều khó khăn kể từ khi giá nguyên vật liệu bị ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine dẫn đến giá đầu vào tăng”, ông Nguyễn Đình Bình, trợ lý Giám đốc công ty chia sẻ.

Việc các DN may mặc bị giảm sút, thiếu đơn hàng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng ngàn công nhân. Trong ảnh: Xưởng may của Công ty TNHH MTV may mặc Unigar.
Việc các DN may mặc bị giảm sút, thiếu đơn hàng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng ngàn công nhân. Trong ảnh: Xưởng may của Công ty TNHH MTV may mặc Unigar.

Ứng phó linh hoạt

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 40 DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may như: may balo, túi xách, gia công các loại quần áo, sản xuất sợi… Hằng năm, các DN này đóng góp khoảng 35% vào kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh. Đây cũng là ngành tạo nhiều việc làm nhất trên địa bàn. Việc các DN may mặc bị giảm sút, thiếu đơn hàng đã và đang ảnh hưởng lớn đến thu nhập, cuộc sống của hàng ngàn công nhân.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong quý II/2023, ngành dệt may vẫn không mấy khả quan do suy thoái kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ thắt chặt hiện nay đã khiến nhu cầu suy giảm tại các quốc gia nhập khẩu dệt may lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt, việc Trung Quốc mở cửa cũng sẽ mang lại nhiều thách thức khi ngành dệt may phải cạnh tranh với các DN nội địa của họ sau một thời gian dài phải đóng cửa vì đại dịch COVID-19. 

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các DN may mặc trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động xây dựng,  triển khai các phương án, giải pháp ứng phó linh hoạt. Bên cạnh đó, ngành công thương cũng sẽ tập trung hỗ trợ DN về xúc tiến xuất khẩu và các hoạt động thông qua chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Về phần mình, DN dệt may cần có sự chia sẻ, tạo sự liên kết đơn hàng, nguyên phụ liệu, thiết bị, giá và tăng cường sử dụng trong chuỗi với nhau. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tối đa chi phí không cần thiết trong sản xuất. Đặc biệt, các DN cần có giải pháp sắp xếp điều hành sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ có hiệu quả.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may ước đạt hơn 8,7 tỷ USD, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, kim ngạch đạt gần 115 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ. Cụ thể như xơ, sợi dệt sụt giảm 92,4%; hàng dệt may giảm 33,7%; nguyên phụ liệu dệt, may, da giày giảm 35,2%. 

 

 

;
.