Thúc đẩy sản xuất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, diễn ra ngày 3/4.
Tại điểm cầu BR-VT, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự và chủ trì Hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC |
Cơ bản thực hiện tốt các mục tiêu trọng tâm
Hội nghị đánh giá, trong quý I/2023, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo đúng phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. Về bức tranh kinh tế-xã hội trong quý I/2023, cả nước đạt được các mục tiêu lớn. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, cơ bản thực hiện tốt các mục tiêu trọng tâm đã được Đảng, Quốc hội thông qua.
Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước (là mức khá so với bình quân chung của thế giới và khu vực). Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm dần, tính chung quý I tăng 4,18%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 30,3% dự toán. Xuất siêu ước đạt 4,07 tỷ USD, gấp 2 lần cùng kỳ năm 2022. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được giữ vững. Hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực có mức tăng khá. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao, du lịch phục hồi nhanh.
Chính phủ và các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Trong ảnh: Thi công dự án đầu tư công cầu Cỏ May (TP. Vũng Tàu). |
Đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao bổ sung hơn 9.547 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025. Giải ngân vốn năm 2023 ước đến hết 31/3 là hơn 2.052 tỷ đồng, đạt khoảng 8,5% kế hoạch.
Bên cạnh đó, cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đời sống người dân tiếp tục cải thiện, trong đó, Việt Nam tăng 12 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới. Các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm.
Tại hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá hạn chế, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, nhận định tình hình, xác định các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện, nỗ lực khắc phục hạn chế, bất cập, vượt qua các khó khăn, thách thức, tập trung toàn lực để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Tại BR-VT, trong quý I/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 3,430 tỷ USD, giảm 10,61% so với cùng kỳ năm trước; tổng chi ngân sách địa phương ước hơn 4.510 tỷ đồng, ước đạt 16,60% so với dự toán và tăng 32,76% so với cùng kỳ. Chỉ số công nghiệp (IIP) trừ dầu thô và khí đốt ước quý I giảm 3,53%. Hoạt động thương mại, dịch vụ đã dần hồi phục, ổn định và có nhiều tín hiệu lạc quan, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng ước quý I tăng 13,15%, đạt quy mô và tốc độ tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ các năm trước. |
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
Nhấn mạnh các quan điểm chỉ đạo, điều hành, phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và lãnh đạo chủ chốt, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng).
Trong khó khăn, phức tạp, cần giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, quyết tâm cao hơn, sáng tạo hơn; nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, đặc biệt không để lãng phí thời gian, chủ động, kịp thời giải quyết công việc. Lấy nội lực là cơ bản, là chiến lược, lâu dài là quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá; phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, lấy khó khăn, thách thức, áp lực là động lực phấn đấu vươn lên, tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và sinh kế của người dân.
Các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp để đạt các chỉ tiêu KT-XH đề ra trong năm 2023. Trong ảnh: Đóng tàu tại Công ty TNHH Vard Vũng Tàu. |
Yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, Thủ tướng chỉ rõ, cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trên tất cả lĩnh vực, nhất là chăm lo đời sống nhân dân và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh. Làm tốt công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, vận động nhân dân để triển khai các dự án hạ tầng chiến lược, các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân đầu tư công....
Để đạt các mục tiêu tăng trưởng trong năm, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN, tạo sinh kế cho người dân. Các bộ ngành, địa phương cần nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền việc cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, giảm chi phí doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Trong quý I/2023, dù đối mặt với nhiều khó khăn song kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH MEI SHENG TEXTILES Việt Nam (huyện Châu Đức) trong giờ làm việc. |
“Trong thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, rà soát, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn pháp lý; tập trung đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng hạ tầng chiến lược. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, không trông chờ, ỷ lại, không để địa phương phải đi lại nhiều mà không được việc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC