Tiếp sức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Những năm qua, dưới tác động của dịch bệnh, xung đột chính trị liên tiếp đã ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của các DN nhỏ và vừa (DNNVV), nhất là những DN tiềm lực còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, cộng đồng DN mong muốn các ngành chức năng tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ mang tính dài hạn, bền vững để các DN phục hồi và phát triển.
Dưới tác động liên tiếp của dịch bệnh, chiến tranh các DNNVV hiện gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH MTV May mặc UNIGAR (TP. Bà Rịa) trong giờ sản xuất. |
Khó chồng khó
Thông tin từ Sở KH-ĐT, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 13 ngàn DN, trong đó, hơn 90% là DNNVV. Ngoài các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại, đa phần các DN sản xuất đều có thiết bị, máy móc lạc hậu nên năng suất lao động thấp, khó cạnh tranh.
Năm 2021 tới nay, dưới tác động của đại dịch COVID-19 đã đẩy cộng đồng DNNVV lâm vào khó khăn. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chưa kịp phục hồi thì thiên tai, dịch bệnh, xung đột chính trị đã làm cho tổng cầu giảm, một lần nữa đẩy các DN vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Theo các DNNVV trên địa bàn tỉnh, hiện đa số các DN đang gặp khó khăn về tín dụng, thuế phí và xúc tiến thương mại.
Theo ông Lương Ngọc Thạch, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Coco hạt (TP. Vũng Tàu), đa số các DNNVV hiện nay đều khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng bởi nguồn lực còn yếu. Các DNNVV không đủ lực để cạnh tranh với các DN lớn. Cũng vì nguồn lực yếu nên việc tiếp cận nguồn vốn đối với các DN này càng trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu tăng do tỷ giá tăng, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm, khiến các DNNVV khó lòng trụ vững.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hướng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Soyzi (TP. Vũng Tàu) cho biết, hiện công ty bà đang gặp 2 vấn đề khó khăn đó là định hướng để kết nối thị trường và vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Theo bà Tuyết, vấn đề kết nối thị trường được xem là nút thắt quan trọng để các DN phát triển. Tuy nhiên hiện nay, việc các DNNVV đang khó khăn về đầu ra sản phẩm cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Chia sẻ về những khó khăn mà Công ty TNHH MTV May mặc UNIGAR (TP. Bà Rịa) đang gặp phải, bà Cao Thị Dung, Phó Giám đốc công ty cho hay, mặc dù số lượng đơn hàng và sản lượng của các đơn hàng gia tăng, nhưng khó khăn lớn nhất công ty hiện đang gặp phải đó là nhân sự. Đặc biệt là nhân sự có tay nghề, chuyên môn cao. “Chất lượng nhân sự quyết định rất lớn đến chất lượng sản phẩm, tuy nhiên các DN nhỏ như chúng tôi hiện năng lực đào tạo còn hạn chế do đó chất lượng nhân sự hầu như chưa được như mong muốn”, bà Dung bày tỏ.
Ông Trình Đình Cường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Vũng Tàu cho biết, các DNNVV đặc biệt là các DN non trẻ chủ yếu hiện nguồn vốn còn hạn hẹp, tài sản trong mỗi DN như nhà đất, phương tiện, máy móc thiết bị còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu nguồn vốn đầu tư, DN phát triển chậm, doanh thu thấp, dẫn đến lợi nhuận đạt thấp, năng lực yếu nên yếu tố cạnh tranh bị hạn chế.
Hỗ trợ đường dài cho DNNVV
Nhằm chia sẻ khó khăn với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng triển khai các giải pháp để hỗ trợ DN. Trong đó, các chương trình về kết nối ngân hàng - DN, chương trình bình ổn thị trường để DN được tiếp cận chính sách tháo gỡ khó khăn của ngành ngân hàng, nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi đã được các ngành chức năng tích cực triển khai. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, hỗ trợ DN nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và sản phẩm.
Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chương trình, chính sách về ưu đãi thuế đối với DNNVV, kịp thời triển khai, hướng dẫn các DNNVV áp dụng chính sách thuế khi có sự thay đổi có liên quan. Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh phối hợp với Sở Tài chính triển khai công tác hướng dẫn chế độ kế toán đơn giản cho DN siêu nhỏ, việc thực hiện các chính sách phí, lệ phí đối với DNNVV theo quy định.
Ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh cho biết, Hiệp hội chủ động và thực hiện tốt chức năng là cầu nối tham mưu, đề xuất với các cấp chính quyền tỉnh, sở, ban, ngành để hỗ trợ các chủ trương chính sách phát triển kinh tế, hỗ trợ DN gắn với hoạt động thiết thực. Đồng thời tháo gỡ những vướng mắc bất cập về mặt bằng, đất đai và thuế tài chính cơ chế thông thoáng cho hoạt động của DN. Thời gian qua, tỉnh cũng tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Về lâu dài, vừa qua UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Theo đó, các DNNVV sẽ được hỗ trợ tiếp cận tín dụng, các chính sách thuế, công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, mở rộng thị trường; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, lãi suất cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo…
“Bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ chính quyền, các tổ chức Hội, Hội Doanh nhân trẻ, CLB Nữ doanh nhân, cộng đồng DN… đã phát huy hiệu quả trong việc liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tạo cơ hội kinh doanh để thúc đẩy các DN cùng phát triển”, ông Kháng thông tin.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC