.

"Ngồi trên lửa" vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao

Cập nhật: 18:13, 02/04/2023 (GMT+7)

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và duy trì trong thời gian dài, trong khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh, khiến giá heo trong nước liên tục xuống thấp. Người chăn nuôi như đang “ngồi trên đống lửa”.

Ông Nguyễn Văn Tỏa (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) chăm sóc đàn heo của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Tỏa (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) chăm sóc đàn heo của gia đình.

Giá thấp, sức tiêu thụ chậm

Gia đình ông Nguyễn Văn Tỏa (ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) hiện nuôi gần 80 con heo thịt đang trong giai đoạn xuất chuồng. Thế nhưng, ông Tỏa đang rầu vì từ trước Tết đến nay, giá heo hơi không những không lên, mà còn đi xuống.

Nếu như lứa heo trước Tết gia đình ông bán cho thương lái với giá 53 ngàn đồng/kg, thì nay mức giá chỉ còn 50 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp cho heo vẫn ở mức cao, hiện ở mức 420 ngàn đồng/bao. Ông Tỏa nhẩm tính, với mức giá thức ăn này, cộng với công chăm sóc trung bình mỗi con heo từ lúc bắt đầu nuôi đến khi xuất xuồng tốn từ 5,5-5,7 triệu đồng, trong khi chi phí trước đây chỉ tầm 3,7-4 triệu đồng/con. “Tính ra, người nuôi đang lỗ trung bình 1 triệu đồng/1 con/1 tạ”, ông Tỏa cho hay.

Không chỉ heo, người chăn nuôi gà lông màu, gà công nghiệp cũng đối mặt với nhiều khó khăn vì giá bán ra thấp hơn chi phí chăn nuôi. Theo một số chủ trang trại nuôi gà lông màu, gà công nghiệp, chi phí chăn nuôi gà lông màu hiện từ 39-43 ngàn đồng/kg, gà công nghiệp gần 30 ngàn đồng/kg. Nhưng gần đây, giá bán gà lông màu ở mức từ 33-37 ngàn đồng/kg; gà công nghiệp chỉ hơn 20 ngàn đồng/kg. Nhiều trang trại chăn nuôi phải gánh lỗ liên tục từ tháng 12/2022 đến nay và đang lâm vào bế tắc.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đang nuôi 30 ngàn con gà ta Bình Định. Đàn gà này còn khoảng hơn 1,5 tháng nữa là đến kỳ xuất bán, nhưng gia đình ông Tuấn đang rất lo lắng vì giá gà hiện rất thấp, trong khi đó, thương lái cũng thu mua “nhỏ giọt”. Trước đây, một chuồng khoảng 1 ngàn con chỉ nửa tháng là ông tiêu thụ hết, nhưng nay hơn 1 tháng mà vẫn chưa bán hết được 1 chuồng, nếu quá lứa, chi phí chăn nuôi càng đội lên. “Giá gà hiện nay dao động trong khoảng trên dưới 40 ngàn đồng/kg, với mức giá này người nuôi lỗ trung bình 10-12 ngàn đồng/kg, như vậy 1 ngàn con gà thì lỗ trung bình từ 10-12 triệu đồng. Giá thấp, sức tiêu thụ chậm, nên người chăn nuôi rất lo lắng”, ông Tuấn nói.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tính đến hết tháng 2/2023, tổng đàn heo của tỉnh 384.860 con; tổng đàn gia cầm 6,5 triệu con, trong đó có 4,41 triệu con gà. Trên địa bàn tỉnh có 91.424 hộ, cơ sở, trang trại chăn nuôi. Sản lượng thịt hơi các loại là 9.497 tấn, trong đó, thịt heo 6.188 tấn, thịt gia cầm 2.415 tấn, thịt trâu, bò 602 tấn, thịt dê cừu 292 tấn.

Sớm có giải pháp hỗ trợ

Ngành chăn nuôi có lúc thuộc top đầu về tăng trưởng. Nhưng hơn 1 năm qua, họ phải “gồng mình” gánh lỗ và dự báo về thị trường thời gian tới vẫn khó khởi sắc. Trong khi đó, hầu hết người chăn nuôi đều đang vay vốn để sản xuất nên khó càng khó hơn.

Ông Trần Tâm (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đang là chủ trang trại hơn 100 con heo thịt cho biết, hiện nay, ông vay ngân hàng và người thân gần 3 tỷ đồng để đầu tư trang trại và chăn nuôi. Nhưng giá heo xuống thấp, thời gian qua ông phải gồng mình chống chọi. Mỗi tháng, ông phải cố gắng xoay xở để bù lỗ khoảng 50-60 triệu đồng, vừa trả tiền vay ngân hàng và các chi phí sinh hoạt, sản xuất khác.

“Thời gian tới, tôi mong muốn được tham gia các gói hỗ trợ để giảm bớt khó khăn. Tôi cũng sẽ tính toán cân đối chi phí đầu vào, đầu ra cho hợp lý để giảm bớt lỗ khi thị trường ngành chăn nuôi vẫn còn bấp bênh”, ông Trần Tâm bày tỏ.

Không chỉ người chăn nuôi ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang gặp khó khăn về vốn để phục vụ sản xuất, mà tình trạng này đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Trước tình trạng này, mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - địa phương được coi là thủ phủ chăn nuôi đã có tâm thư gửi Ngân hàng Nhà nước với nguyện vọng có giải pháp kịp thời hỗ trợ, nhất là về nguồn vốn để người chăn nuôi không rơi vào cảnh phá sản.

Theo đó, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, lúa gạo có chính sách tạm trữ - chính sách giá sàn, trong khi chăn nuôi cũng sản xuất mặt hàng thực phẩm thiết yếu, lại không được hưởng chính sách này. Đồng thời mong muốn, ngân hàng cho người nuôi được gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất như chính sách hỗ trợ giai đoạn COVID-19; tiếp tục gia hạn các gói tín dụng cho các vùng chăn nuôi trọng điểm để duy trì hoạt động, bởi nếu đứt nguồn vốn thì nông dân có thể phá sản ngay.

Bên cạnh đó, hiện các ngân hàng đang tích cực giải ngân gói vay hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, trong số các lĩnh vực được hỗ trợ có nông nghiệp. Nhưng qua khảo sát, rất ít DN, trang trại được hưởng gói vay này. Do đó, người chăn nuôi mong muốn sớm được tham gia gói hỗ trợ.

Về phía ngành nông nghiệp tỉnh, trước biến động về giá thức ăn, chi phí đầu vào tăng cao, ngành khuyến cáo người chăn nuôi cẩn trọng tái đàn, bảo đảm sự phát triển ổn định. Ngoài ra, cần tăng cường chuyển đổi sang hướng chăn nuôi an toàn sinh học, tạo ra sản phẩm thịt heo đạt chất lượng cao.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

.
.
.