Sáng 25/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu. Nhiều ý kiến đề xuất Bộ, ngành Trung ương sớm có giải pháp để gỡ khó cho DN, nhất là trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, lượng hàng tồn kho tăng cao.
Trong 3 tháng đầu năm, ngành xuất khẩu tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP chế biến XNK thủy sản (Baseafood) trong giờ làm việc. |
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 3 tháng đầu năm, kết quả xuất nhập khẩu (XNK) của cả nước đều ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ, đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 74,5 tỷ USD, giảm 15,4%. Trong đó, những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản sụt giảm nhiều nhất. Đáng lưu ý, một số ngành hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu giảm như ngành hàng điện tử, máy tính. Trong đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 13,4 tỷ USD, giảm 12,2%; điện tử, máy vi tính và linh kiện đạt 12 tỷ USD, giảm 9,3%. Xuất khẩu hàng may mặc đạt 7,2 tỷ USD, giảm 17,7%; xơ sợi dệt đạt 941 triệu USD, giảm 35%.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.726 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh giảm sâu so với cùng kỳ như: xơ, sợi dệt sụt giảm mạnh nhất 92,4%; hàng dệt may giảm 33,7%, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày giảm 35,2%; chất dẻo giảm 14,4%. DN ngành thép cũng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do nhu cầu ngành xây dựng sụt giảm cùng với sức ép giá cả do nguồn cung từ Trung Quốc tăng mạnh. Do đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành hàng này cũng giảm từ 22-35%; kim loại thường khác và sản phẩm giảm 87,56%.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nguyên nhân sản xuất, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là do các ngành hàng đều gặp khó khăn, lạm phát cao, sức mua sụt giảm, đặc biệt là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Ngoài ra, chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các DN sản xuất cầm chừng tránh rủi ro. Chi phí nhân công, bao bì, vận chuyển... cũng tăng cao. |
Đề xuất các gói chính sách hỗ trợ DN xuất khẩu
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5%, giảm tương đương giai đoạn dịch COVID-19 nặng nhất. “Những đơn hàng ký hợp đồng đều bị đẩy lùi lại thời gian dẫn đến hàng bị tồn kho, tôm cá của bà con bị đình trệ, dòng tiền bị chững. Dự báo, đến quý III/2023, khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi thì chúng tôi lo ngại nguồn nguyên liệu không còn. Đồng thời, khi dòng tiền chậm về sẽ kéo theo nguồn vay của ngân hàng, trả tiền cho bà con cũng chậm”, ông Nguyễn Hoài Nam cho hay.
Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP chế biến XNK thủy sản(Baseafood) cho biết, do gặp khó khăn về nguồn liệu và đơn hàng nên công ty đặt kế hoạch tăng trưởng thấp hơn mọi năm. Nếu như năm 2022, Baseafood xuất khẩu được 9.000 tấn thành phẩm, đạt giá trị khoảng 62 triệu USD thì năm 2023 công ty chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng 5% so với năm 2022.
Còn theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đơn vị có những DN nhỏ giảm 40-50% do không có đơn hàng. Đối với các DN lớn hơn giảm khoảng 20-25%, do các DN lớn nhận hàng về xong chuyển về cho DN nhỏ, khi thiếu hụt thì các DN này sẽ càng khó khăn.
Hiệp hội đề xuất Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính, ngân hàng có thể cho ngành dệt may vay theo lãi suất thấp để có thể trả tiền cho người lao động. Về trung và dài hạn, Chính phủ cần hỗ trợ một phần tài chính và chuyên gia trong việc thực hiện các dự án xanh hoá như giảm nước thải, chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, giảm sử dụng hoá chất ... (ESG), chuyển đổi số trong ngành dệt may để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ghi nhận các ý kiến của hiệp hội DN, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đứng trước những khó khăn trên, các đơn vị thuộc Bộ Công thương đã khẩn trương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông qua các hội chợ thương mại quốc tế. Tiếp tục đề xuất, kiến nghị hỗ trợ các giải pháp về chính sách, nhất là vốn vay, giãn thuế, giãn nợ để DN duy trì ổn định sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Bộ trưởng cũng đề nghị, các đơn vị liên quan sớm hoàn tất thủ tục trong khuôn khổ Hiệp định FTA, CPTPP, EVFTA, UKVFTA đẩy mạnh xuất khẩu với một số quốc gia đã xúc tiến trước đây. Qua đó, mở thêm đầu ra cho hàng hóa Việt Nam.
Bộ Công thương cùng các đơn vị nghiên cứu những giải pháp ngắn hạn, dài hạn để phối hợp gỡ khó về thị trường xuất khẩu cho DN. Tuy nhiên, DN phải chủ động những giải pháp để ứng phó với những khó khăn trong những tháng cuối năm, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, nâng cao kỹ năng quản lý xuất xứ hàng hóa, quản lý nguyên liệu đầu vào… nhằm gia tăng ưu đãi cho DN.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC