ĐẨY NHANH GIAO THÔNG KẾT NỐI VÙNG

Kỳ 1: Hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ

Thứ Ba, 28/03/2023, 18:56 [GMT+7]
In bài này
.

Ngoài tăng tốc hoàn thiện mạng lưới giao thông nội tỉnh, từ nhiều năm nay, giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng được Bà Rịa-Vũng Tàu xác định là vấn đề sống còn trong phát huy và khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang được tỉnh gấp rút triển khai.

Phần thi công cầu Mỏ Nhát thuộc dự án đường 991B đang thi công phần đổ bê tông.
Công trình cầu Mỏ Nhát thuộc dự án đường 991B đang thi công phần đổ bê tông.

Còn nhiều hạn chế 

Giao thông kết nối ngoại vùng của tỉnh như: cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu, đường vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, kết nối đường liên cảng với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành qua cầu Phước An… giai đoạn vừa qua chưa được đầu tư.

Vùng Đông Nam Bộ gồm có 6 địa phương: TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh. Vùng có diện tích hơn 31 ngàn km2, chiếm 9,4% diện tích cả nước, với dân số hơn 19 triệu người, chiếm gần 20% dân số cả nước.

Với vai trò đầu tàu kinh tế, tỷ lệ đóng góp của vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 34% GDP của cả nước. Bên cạnh đó, Đông Nam Bộ còn là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước, đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và trên 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Hiện 70% lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu của khu vực Tây Nam Bộ đều thông qua cảng biển khu vực TP.Hồ Chí Minh và cảng biển vùng Đông Nam Bộ. Mặt khác, hàng hóa và hành khách giữa vùng Tây Nam Bộ với vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung đều thông qua TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như trong vùng. Theo Sở GT-VT, thời gian qua, do mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn chưa đồng bộ đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sức lan tỏa của vùng Đông Nam Bộ; hạ tầng giao thông kết nối còn hạn chế đang là điểm nghẽn trong quá trình phát triển.

TX.Phú Mỹ đang nỗ lực giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Trong ảnh: Chi trả bồi thường hỗ trợ thu hồi đất cho người dân xã Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ).
TX.Phú Mỹ đang nỗ lực giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Trong ảnh: Chi trả bồi thường hỗ trợ thu hồi đất cho người dân xã Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ).

Các tuyến giao thông vận tải liên vùng, đường vành đai, tuyến giao thông kết nối trực tiếp đến các cảng biển chưa được xem xét đầu tư đồng bộ. Hệ thống giao thông kết nối ngoại vùng của tỉnh hiện thông qua 3 tuyến QL51, 55 và 56, trong đó QL51 là tuyến giao thông đối ngoại quan trọng kết nối Bà Rịa-Vũng Tàu với vùng trọng điểm phía Nam và khu vực Tây Nam Bộ có mật độ lưu lượng phương tiện lưu thông rất lớn, thường xuyên xảy ra kẹt xe, ùn ứ và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Giao thông kết nối ngoại vùng của tỉnh như: cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu, đường vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, kết nối đường liên cảng với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành qua cầu Phước An… giai đoạn vừa qua chưa được đầu tư làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác hệ thống cảng biển Cái Mép-Thị Vải và việc đi lại của người dân.

Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối của tỉnh thời gian qua còn nhiều hạn chế là do chưa được sự quan tâm đầu tư đúng mức, chưa khai thác hết các nguồn lực để đầu tư, nguồn vốn ngân sách đầu tư chưa đáp ứng được hết nhu cầu; việc kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án giao thông còn khó khăn.

Gấp rút triển khai dự án trọng điểm

Chính vì những tồn tại trên, nhiều năm qua, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn xác định ưu tiên hàng đầu là đầu tư đường cao tốc, đường vành đai... nhằm gia tăng kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông của tỉnh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và toàn khu vực. Hiện tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1 để có thể khởi công vào tháng 6/2023; đồng thời, bảo đảm mục tiêu cơ bản hoàn thành xây dựng vào năm 2025.

Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu dài 53,7km; trong đó, dự án thành phần 3 (đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải làm chủ đầu tư) dài 19,5km đi qua địa bàn phường Mỹ Xuân, phường Hắc Dịch, xã Tóc Tiên, xã Châu Pha (TX.Phú Mỹ) và xã Tân Hưng, xã Hòa Long (TP.Bà Rịa); tổng diện tích đất thu hồi khoảng 138ha với 1.212 hộ, tổ chức bị ảnh hưởng.

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Công Danh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông khu vực Cảng Cái Mép-Thị Vải (chủ đầu tư) cho biết, đến thời điểm này, đơn vị đang phối hợp với 2 địa phương có dự án đi qua là TX.Phú Mỹ và TP.Bà Rịa gấp rút thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án. Về tiến độ dự án, hiện đã cơ bản hoàn thành công tác kiểm kê, phê duyệt giá đất bồi thường trên toàn tuyến (đã kiểm kê 1.205/1.212 hộ, tương ứng 137,11/138,18 ha, đạt 99,22%). Đến ngày 22/3, tổng kinh phí bồi thường đã ban hành Quyết định phê duyệt hơn 724,5 tỷ đồng, tương ứng hơn 43ha, chiếm khoảng 31,5% diện tích. Tổng kinh phí đã chi trả cho các hộ dân, tổ chức hơn 609 tỷ đồng.

Bên cạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư dự án cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 111/QĐ-UBND ngày 19/01/2023); tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với các đơn vị tư vấn; giám sát, chỉ đạo công tác khảo sát tại hiện trường. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát, chỉ đạo đơn vị tư vấn lập, hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán; phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán; tổ chức công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn.

Hiện Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải đã có văn bản gửi các đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để mời tham gia thực hiện bước lập thiết kế kỹ thuật, dự toán. Khi triển khai thực hiện, chủ đầu tư sẽ chỉ đạo sát sao các đơn vị tư vấn lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để thực hiện dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ, tuân thủ các quy định của pháp luật. “Chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục đủ điều kiện khởi công xây dựng trước 30/6/2023 theo tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ”, ông Nguyễn Công Danh nói.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (4 làn xe) hơn 4.963 tỷ đồng; trong đó, kinh phí bồi thường, giải tỏa hơn 2.218 tỷ đồng. Năm 2022, dự án được phân bổ 670 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng. Số vốn còn lại chưa giải ngân hết (khoảng 571 tỷ đồng). Hiện tỉnh đang thực hiện thủ tục xin kéo dài vốn sang năm 2023. Năm 2023, dự án cũng được phân bổ 1.018 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: TRIỆU VỸ - TRÚC GIANG

;
.