Các DN thủy sản đang nỗ lực “nâng cấp” chính mình để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong bối cảnh thị trường xuất khẩu 2023 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Sơ chế thủy sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood (TP.Vũng Tàu). |
Cung, cầu đều thiếu
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến thị trường thế giới khiến nhu cầu nhập khẩu thủy sản chịu tác động sụt giảm từ ngay trong quý 1/2023.
“Chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu đứt gãy, đặc biệt là suy thoái kinh tế đang ngấm sâu vào đời sống của nhiều quốc gia trên thế giới khiến sức tiêu thụ các mặt hàng thủy sản có nguy cơ giảm sút trong năm 2023 này”, ông Hòe phân tích.
Trong khi đó, chênh lệch tỷ giá khiến hàng xuất khẩu từ Việt Nam có giá cao hơn đối thủ tại các thị trường nhập khẩu lớn như Âu, Mỹ… Nhiều DN thủy sản rơi vào tình trạng bị đối tác hoãn giao đơn hàng đã ký kết, thậm chí hủy một số đơn hàng đã thỏa thuận, chậm chạp trong việc trao đổi kế hoạch kinh doanh năm 2023. Đặc biệt, ngư trường đang ngày càng cạn kiệt dần, tàu thuyền đi đánh bắt cá giảm nhiều.
Thông tin từ ngành nông nghiệp cho biết, nếu như trước đây Bà Rịa-Vũng Tàu có hơn 7.500 tàu thuyền đánh bắt hải sản thì nay con số này giảm chỉ còn khoảng 5.400. Điều này khiến cho nguồn cung cấp hải sản cho các DN thủy sản ngày càng thiếu hụt, gây ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Việc thiếu nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu đang là bài toán đau đầu của các DN xuất khẩu thủy sản trong tỉnh. Bà Năm Cường, chủ Cơ sở chế biến hải sản Năm Cường (TT.Long Hải, huyện Long Điền) cho biết, hơn 1 tháng nay, công nhân cơ sở bà đang “ngồi chơi xơi nước” vì không có cá trích để chế biến. Năm 2022, công ty gia công xuất khẩu khoảng 50 tấn cá trích sang Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng qua đầu năm 2023 thì không có cá để làm.
Theo Bộ NN& PTNT, nền kinh tế nói chung cũng như thủy sản nói riêng đã xuất hiện những khó khăn, thách thức. Từ quý 3/2022, trên cơ sở phân tích kết quả đạt được, Bộ NN& PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thực hiện các giải pháp sát thực tiễn để bảo đảm được đà tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu.
Mặc dù ngành thủy sản chỉ đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt 10 tỷ USD, thấp hơn so với mức thực hiện năm 2022, thế nhưng trước bối cảnh thị trường xuất khẩu có nhiều khó khăn, bất lợi do lạm phát tại nhiều quốc gia vẫn còn ở mức cao, để đạt được mục tiêu, ngành thủy sản vẫn phải linh hoạt, sáng tạo để quyết định tăng tốc trong thời điểm thích hợp.
|
Thận trọng lên kế hoạch
Do thiếu nguyên liệu chế biến nên nhiều DN thủy sản trên địa bàn tỉnh không dám đặt kế hoạch tăng trưởng cao trong năm 2023. Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến XNK Thủy sản tỉnh (Baseafood), năm 2022 Baseafood xuất khẩu được 9.000 tấn thành phẩm, đạt giá trị khoảng 62 triệu USD, nhưng năm 2023 công ty chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng khiêm tốn là tăng 5% so với năm 2022.
Ông Đào Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tứ Hải thì khẳng định, chưa biết thị trường năm nay sẽ thế nào nên công ty không dám đặt kế hoạch tăng trưởng cao hơn năm ngoái, chỉ mong được bằng năm 2022 là mừng rồi. “Năm 2022, Công ty Tứ Hải đạt giá trị xuất khẩu 20 triệu USD, chủ yếu là xuất khẩu cá đục sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore”, ông Tuấn thông tin thêm.
Để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, trong năm 2023 Công ty Tứ Hải đặt trọng tâm gia tăng lượng hàng chế biến sâu, để nâng giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường. Đồng thời, tiếp tục duy trì việc cải tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đa dạng các mặt hàng đáp ứng tiêu chuẩn thị trường Âu, Mỹ...
Baseafood thì giải bài toán thiếu nguyên liệu trong nước bằng cách mở rộng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước trên thế giới. Năm 2022, Baseafood nhập khẩu khoảng 9 triệu USD nguyên liệu từ các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia,… Năm nay, công ty dự kiến sẽ mở rộng nhập khẩu thêm từ các nước Ấn Độ, Chi Lê, Tây Ban Nha, Na Uy thậm chí đi xa hơn qua Úc, New Zealand…
Công ty cũng đang tính đến phương án gia công trở lại, nhập khẩu nguyên liệu rồi gia công tái xuất đi các nước có nhu cầu. Tuy nhiên nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài thì chi phí cao hơn trong nước nên song song đó Baseafood phải nâng chất sản phẩm, đẩy mạnh các sản phẩm tinh chế, chế biến sâu, mở rộng nguồn sản phẩm cao cấp phục vụ người già, người bệnh, trẻ nhỏ để tăng lợi nhuận xuất khẩu.
“Muốn làm được vậy, Baseafood phải phát triển công nghệ, chuyển giao, đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến từ nước ngoài về và “nâng cấp” tay nghề của người lao động để có thể chế biến được những sản phẩm cao cấp, tinh chế sâu”, ông Dũng chia sẻ.
Toàn tỉnh hiện có 120 DN và gần 300 cơ sở sơ chế, chế biến thủy hải sản nhỏ lẻ với tổng công suất khoảng 250 ngàn tấn thành phẩm/năm. Các sản phẩm chế biến chủ yếu là cá, mực, bạch tuộc, cua ghẹ đông lạnh, surimi các loại, thủy sản khô, nước mắm, bột cá… Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt gần 230 triệu USD, tăng 30% so với năm 2021.
(Nguồn: Sở NN&PTNT)
|
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH