Ngày 15/2, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, phương hướng - nhiệm vụ 2023.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bà Rịa- Vũng Tàu. |
Vốn đến kịp lúc người dân, DN gặp khó khăn
Báo cáo tại hội nghị, ông Bùi Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, NHCSXH đã xây dựng, ban hành đồng bộ, đầy đủ các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức giải ngân các chương trình tín dụng, hỗ trợ lãi suất đạt kết quả đáng ghi nhận, kịp thời hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 283.348 tỷ đồng, tăng 35.378 tỷ đồng so với năm 2021, trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 254.191 tỷ đồng, tăng 30.179 tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Trong năm 2022, NHCSXH thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 16.024 tỷ đồng với gần 300 ngàn lượt khách hàng được vay vốn, trong đó chương trình cho vay học sinh sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến đạt 827 tỷ đồng để mua gần 86 ngàn máy vi tính và thiết bị học tập trực tuyến; chương trình cho vay nhà ở xã hội đạt 4.032 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng hơn 10,8 ngàn căn nhà; chương trình cho vay hỗ trợ việc làm đạt 10.000 tỷ đồng với hơn 211 ngàn khách hàng được vay vốn tạo việc làm; chương trình cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 194 tỷ đồng, cho gần 2,6 ngàn cơ sở giáo dục được vay vốn; chương trình cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đạt 971 tỷ đồng với gần 19,5 ngàn khách hàng vay vốn.
Đến cuối năm 2022, NHCSXH giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 93 ngàn tỷ đồng, cho hơn 2,2 triệu khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm, tổng số tiền hỗ trợ là 878 tỷ đồng.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, NHCSXH tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ được NHCSXH Việt Nam và UBND tỉnh giao. NHCSXH thực hiện rà soát, hướng dẫn các tổ chức và cá nhân vay vốn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn hoàn thiện hồ sơ và giải ngân kịp thời, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, tạo điều kiện cho DN và người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID- 19, duy trì hoạt động và tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Tính đến hết năm 2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách gần 3.770 tỷ đồng/74.832 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ, tăng hơn 504 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó, dư nợ nguồn vốn Trung ương gần 2.324 tỷ đồng, tăng hơn 302 tỷ đồng, dư nợ nguồn vốn địa phương gần 1.446 tỷ đồng, tăng hơn 202 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 16,3% so với đầu năm, hoàn thành 99,3% kế hoạch tăng trưởng.
Ngoài ra, các chương trình tín dụng khác cũng được chi nhánh NHCSXH tỉnh thực hiện kịp thời và hoàn thành 100% kế hoạch như: Chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; chương trình cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội và xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở; chương trình cho vay đối với HSSV mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến; chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Cán bộ tín dụng NHCSXH tỉnh giải ngân vốn vay ưu đãi cho người dân xã Long Phước, TP. Bà Rịa. |
Bơm vốn đến đâu giám sát đến đó
Năm 2023, NHCSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các Sở, Ban ngành có liên quan và chỉ đạo các phòng giao dịch rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các cá nhân và tổ chức thuộc đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách và tổ chức thực hiện giải ngân cho vay kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định. Tiếp tục thông tin kịp thời chủ trương, chính sách mới về tín dụng ưu đãi của Chính phủ, đặc biệt là các chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Dịp này, NHCSXH tỉnh cũng đề nghị NHCSXH Việt Nam giao kế hoạch vốn tín dụng năm 2023 sớm để chi nhánh NHCSXH tỉnh triển khai thực hiện. Về phía tỉnh, NHCSXH cũng đề nghị HĐND, UBND tỉnh tiếp tục, quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Chỉ đạo các Sở, ban ngành có liên quan như: Sở LĐ-TB&XH, Sở GD&ĐT, Sở Xây dựng và Ban Dân tộc tiếp tục rà soát các đối tượng có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn, làm cơ sở để NHCSXH tỉnh báo cáo Trung ương bố trí vốn cho vay kịp thời.
Đối với UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, đề nghị tiếp tục thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội trong hoạt động tín dụng chính sách. Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo tổ chức chính trị - xã hội cơ sở thực hiện tốt các nội dung công việc ủy thác; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau cho vay đối với nguồn vốn tín dụng chính sách.
Bài, ảnh: PHAN HÀ