Hướng tới phát triển công nghiệp xanh

Thứ Bảy, 26/11/2022, 07:46 [GMT+7]
In bài này
.

Phát triển nền “công nghiệp xanh”, sử dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường đã thể hiện quan điểm, chủ trương đúng đắn của tỉnh nhằm bảo đảm nền kinh tế  phát triển bền vững, hiệu quả trong thời gian qua.

Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (Thị xã Phú Mỹ).
Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (Thị xã Phú Mỹ).

Nhiều dự án “xanh” đi vào hoạt động

Đầu tháng 11/2022, Nhà máy Công ty TNHH SEIKO PMC Việt Nam (KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, TX. Phú Mỹ) đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là dự án sản xuất và kinh doanh các loại hóa chất ngành giấy (như chất tăng độ bền khô cho giấy, tác nhân gia keo bằng nhựa thông) với tổng công suất 30 ngàn tấn sản phẩm/năm. Ông Kan Seido, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Seiko PMC cho biết, nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại và được thiết kế mở theo chuẩn quốc tế, thân thiện với môi trường, do có thể giảm tải lượng nước thải một cách đáng kể. “Là một nhà sản xuất hóa chất, Tập đoàn đã và đang hoạt động với tầm nhìn kinh doanh “Tạo dựng tương lai bằng công nghệ thân thiện với môi trường”. Thông qua đó, chúng tôi luôn luôn tâm niệm và mong muốn: sẽ bảo vệ môi trường, đóng góp vào việc thực hiện một thế giới - xã hội phát triển bền vững thông qua các hóa chất đặc trưng”, ông Kan Seido khẳng định.

Trước đó, cuối tháng 12/2021, dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung (Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina) đã chính thức đi vào hoạt động.  Đây là dự án có tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD cũng là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được cấp phép hoạt động trong các KCN của tỉnh với mục tiêu sản xuất Polypropylene, Ethylene, Propylene... từ nguyên liệu đầu vào là khí hóa lỏng và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng với sức chứa 240.000 tấn. Ông Choi Young Gyo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina cho biết, Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung là dự án lớn nhất Đông Nam Á.  Kho ngầm gần như hoàn toàn tự động hóa bởi những công nghệ tiên tiến nhất, phía ngoài bao bọc bởi lớp đá cứng granite. Kho ngầm còn được thiết kế, thi công theo hình dáng quả trứng để áp suất không tập trung vào một điểm mà phân bố đều. Những kỹ thuật an toàn và tiên tiến nhất để LPG cất chứa trong kho ngầm không rò rỉ ra ngoài cũng được công ty thực hiện.

Phát huy thành quả đạt được, để hướng đến nền “công nghiệp xanh”, chỉ thị về thu hút đầu tư nước ngoài do Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nêu rõ 8 loại hình dự án không thu hút đầu tư. Trong đó, đáng kể nhất là các dự án chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su, sản xuất hóa chất cơ bản, nhuộm, thuộc da, sản xuất thép - nhất là thép xây dựng và phôi thép (trừ các dự án sản xuất thép chất lượng cao), sản xuất giấy các loại hoặc bột giấy, chế biến bột cá... Ngoài ra, BR-VT cũng hạn chế thu hút đầu tư đối với các dự án như công nghiệp xi mạ, chế biến hải sản, sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật, sản xuất sơn, phụ gia, chất tẩy rửa công nghiệp,...

Nhiều năm qua, các dự án triển khai và hoạt động tại tỉnh đều được chọn lọc với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động. Tỉnh kiên trì với chủ trương  không đánh đổi môi trường lấy mục tiêu tăng trưởng theo hướng một nền công nghiệp xanh. Đánh giá từ các nhà đầu tư cho thấy, việc thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc không những giúp loại bỏ những dự án không phù hợp, công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường, tiêu tốn nhiều nguyên liệu, mà quan trọng hơn là tỉnh đã và đang tạo ra một hệ sinh thái để những doanh nghiệp công nghệ cao, có tiềm lực tài chính, có uy tín, tin tưởng và mạnh dạn đầu tư.

Nói không với những dự án ảnh hưởng tới môi trường

Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, gần đây nhiều nhà đầu tư lớn từ nhiều quốc gia đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Để sẵn sàng đón các cơ hội thu hút đầu tư, các cơ quan chức năng, ban, ngành đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, các KCN trong tỉnh đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút thêm nhiều dự án sản xuất; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất hạt nhựa PP (Polypropylene) tại dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene.
Sản xuất hạt nhựa PP (Polypropylene) tại dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene.

Các KCN ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện với môi trường như cơ khí chế tạo ô tô; công nghiệp điện, điện tử... Qua đó, hy vọng trong thời gian tới công tác thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh sẽ có sự chuyển biến tích cực, thực chất hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, dù tỉnh đã và đang thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực nhưng quan điểm của tỉnh vẫn là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Tỉnh vẫn tiếp tục chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, định hướng phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao; chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Với định hướng phát triển công nghiệp xanh, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã và đang đóng góp một phần vào thành công của Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng hoàn thiện các quy định và chính sách nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư nước ngoài cho đến năm 2030. Trong đó, số lượng DN sử dụng các phương pháp quản lý hiện đại và công nghệ cũng như bảo tồn môi trường sẽ chiếm 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.