.
VŨNG TÀU TRĂN TRỞ VỚI DU LỊCH CỘNG ĐỒNG

Kỳ cuối: Du lịch có trách nhiệm và văn minh

Cập nhật: 19:25, 20/10/2022 (GMT+7)

TIN BÀI LIÊN QUAN

Để du lịch phát triển bền vững, yếu tố văn minh, tôn trọng cuộc sống của cộng đồng dân cư… phải được ưu tiên hàng đầu.

Đại diện “homestay” Tamiah (khu biệt thự Thanh Bình, phường 10) ký cam kết không gây ồn ào trong khu dân cư.
Đại diện “homestay” Tamiah (khu biệt thự Thanh Bình, phường 10) ký cam kết không gây ồn ào trong khu dân cư.

Các đơn vị vào cuộc

Không cần đợi đến 22 giờ mới xử phạt, nhắc nhở, Tổ phản ứng nhanh xử lý tiếng ồn phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) tuần tra bất kể các khung giờ. Qua đo đạc bằng công cụ chuyên dụng, trường hợp nào gây ồn, hát lớn đều bị Tổ phản ứng nhanh tạm giữ loa, xử phạt mạnh tay. Trước đó, phường đã liên hệ với những đơn vị cho thuê loa trên địa bàn yêu cầu chấm dứt việc cho thuê vì họ không có giấy phép kinh doanh. Hơn nữa, trường hợp loa bị tịch thu, người vi phạm phải đóng phạt mới được lấy về.

Sau vài ngày ra quân, tình trạng hát karaoke trong khu dân cư giảm hẳn. Nhiều gia đình quyết định “nhậu chay”, không hát hò. Với những trường hợp mở nhạc hát không quá lớn thì phường lập biên bản nhắc nhở, lưu hồ sơ. Song song đó, địa phương vẫn tiếp tục ra quân xử lý, đặc biệt sẽ theo dõi các trường hợp đã được nhắc nhở, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị tính là “tình tiết tăng nặng”. Các trường hợp không hợp tác, thách thức lực lượng chức năng, địa phương sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cách làm này của TP. Đà Nẵng được xem là liều thuốc đặc trị tiếng ồn hiệu quả, được nhiều địa phương khác quan tâm, cổ vũ. Vì vậy, không lẽ gì mà TP. Vũng Tàu lại không thể xử lý ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư?

Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Vũng Tàu khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025 lần thứ 22 (mở rộng), ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu đã yêu cầu các phòng, ban, địa phương có liên quan phải vào cuộc, xử lý dứt điểm vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư và các vấn đề liên quan đến hoạt động lưu trú du lịch.

Trong các giải pháp mà ngành văn hóa - thông tin đề xuất với UBND TP. Vũng Tàu, có một giải pháp nhận được sự đồng thuận của nhiều người đó là việc cần thiết lập “Tổ phản ứng nhanh”. Nòng cốt của tổ là chỉ huy công an phường, xã cùng với ban bảo vệ dân phố, dân quân thường trực. Tổ được trang bị thiết bị đo độ ồn nhằm xác định mức độ ồn để làm căn cứ xử lý khi có tin báo của người dân. Tổ này sẽ thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
TP. Vũng Tàu cũng thống nhất đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kẹo kéo gây ồn ào vào quy ước của khu phố để từ đó tuyên truyền, nhắc nhở người dân tự giác thực hiện.

Ngày 23/9, UBND TP. Vũng Tàu ban hành công văn số 8553/UBND-TNMT về việc quản lý, kiểm tra, xử lý các hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn thành phố. UBND TP. Vũng Tàu giao Phòng Văn hóa-Thông tin chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gây mất an ninh trật tự, gây tệ nạn xã hội, gây ô nhiễm tiếng ồn, vi phạm công tác an toàn về PCCC, bảo đảm không ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Theo ông Phan Trọng Hạnh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP.  Vũng Tàu, thực hiện chỉ đạo của thành phố, từ đầu tháng 10, phòng đã phối hợp với Công an thành phố, lãnh đạo các phường, Chi cục thuế, Trung tâm hỗ trợ khách du lịch… đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch ngắn ngày (gọi chung là “homestay”) để kiểm tra, tuyên truyền và vận động chủ các cơ sở tuân thủ các quy định về kinh doanh trong khu dân cư. Đồng thời yêu cầu các cơ sở ký cam kết không tổ chức hoặc để khách sử dụng loa di động hát karaoke tại nơi công cộng khi không bảo đảm các điều kiện về cách âm.

Theo báo cáo của UBND TP. Vũng Tàu, 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống của thành phố ước 5.593 tỷ đồng, đạt 85,64% kế hoạch, tăng 86,5% so với cùng kỳ. Thành phố đã đón trên 5 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng (trong đó có 1,653 triệu khách lưu trú).
Để kịp thời xử lý tình trạng tiếng ồn trong khu dân cư, tình trạng đậu xe cản trở lối ra vào, người dân có thể gọi phản ánh đến số điện thoại đường dây nóng về dịch vụ du lịch của thành phố: 0888.803.247.

Qua các đợt kiểm tra đầu tháng 10, hầu hết các cơ sở đều thừa nhận khách lưu trú có hát hò lớn. Anh Đinh Tiến Dũng, chủ cơ sở Ruby Chillin Villa (C2-21 khu biệt thự Thanh Bình, phường 10) nói: “Chúng tôi đã nhận thức rõ thiếu sót này và cam kết sẽ khắc phục không để xảy ra ồn ào, ảnh hưởng đến người dân”.

Còn chị Hoàng Thị Tâm, chủ cơ sở “homestay” Tamiah (E24, đường Thùy Dương 5, khu biệt thự Thanh Bình, phường 10) hứa: “Chúng tôi sẽ nghiêm chỉnh chấp hành các quy định trong hoạt động kinh doanh homestay với mong muốn hoạt động lâu dài và bền vững. Theo đó, trong bản hợp đồng cho khách thuê phòng, chúng tôi đã thêm vào điều khoản “không hát karaoke gây ồn ào” kể cả ban ngày. Nếu muốn hát hò thoải mái, khách có thể vào phòng karaoke có cách âm mà cơ sở đã đầu tư. Đoàn khách nào không tuân thủ, chúng tôi sẵn sàng trả lại tiền cọc”.

Lực lượng chức năng phường Thắng Tam ra quân lập lại trật tự đô thị tại các khu dân cư tập trung đông cơ sở dịch vụ lưu trú.
Lực lượng chức năng phường Thắng Tam ra quân lập lại trật tự đô thị tại các khu dân cư tập trung đông cơ sở dịch vụ lưu trú.

Hài hòa giữa phát triển du lịch và dân cư

KTS Nguyễn Hữu Mạnh, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, khách du lịch lưu trú trong các khu dân cư là hiện tượng phổ biến ở các đô thị du lịch. Ở các nước văn minh, “homestay” đúng nghĩa là khách du lịch cùng ăn, cùng ở với chủ nhà và tìm hiểm văn hóa bản địa. Họ không gây ảnh hưởng, xáo trộn đến cuộc sống của cộng đồng dân cư. Tại Việt Nam nói chung và TP. Vũng Tàu nói riêng, hoạt động kinh doanh “homestay” đang rơi vào tình trạng các khu dân cư có khách du lịch lưu trú khá ồn ào, trong khi các cơ sở dịch vụ lưu trú cũng chưa có giải pháp nhằm bảo đảm hài hòa giữa hoạt động vui chơi, giải trí cho du khách và sinh hoạt bình thường của dân cư sinh sống xung quanh.

Do vậy, chính quyền địa phương cần quy hoạch rõ ràng: khu nào phát triển du lịch, khu nào là khu dân cư, khu nào vừa có dân cư vừa làm du lịch. Từ đó, chính quyền đưa ra các giải pháp hài hòa để du lịch vẫn phát triển, DN vẫn làm du lịch và người dân thì vẫn sinh sống bình thường trong đô thị du lịch.

“Chính quyền có thể đưa ra các quy định kinh doanh trong khu dân cư. Theo đó, các cơ sở  kinh doanh phải chấp nhận hoạt động trong khuôn khổ nhất định. Chẳng hạn như trong khu dân cư thì chỉ cho phép kinh doanh phòng nghỉ, không được phép hát hò, không được đậu xe du lịch để bảo đảm lối ra vào cho người dân…”, KTS Nguyễn Hữu Mạnh phân tích.

Chủ một cơ sở “homestay” trên đường Phan Chu Trinh trò chuyện với khách du lịch nước ngoài khi họ cùng lưu trú trong nhà.
Chủ một cơ sở “homestay” trên đường Phan Chu Trinh trò chuyện với khách du lịch nước ngoài khi họ cùng lưu trú trong nhà.

Cùng ý tưởng này, ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND phường 2 kiến nghị, trước khi cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch ngắn ngày cho DN hoặc hộ kinh doanh, Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Vũng Tàu hoặc Sở KH-ĐT nên trao đổi với phường để xem khu vực đó có phù hợp cấp phép cho loại hình này hay không. “Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ nên cấp phép kinh doanh cho chính chủ. Hiện nay, hầu hết các căn biệt thự, nhà phố cho khách du lịch thuê đều do một số công ty, cá nhân thuê lại, rồi sửa sang và bán dịch vụ lưu trú cho khách. Do đó, khi có sự cố gì xảy ra, chính quyền địa phương không biết gọi ai để ràng buộc trách nhiệm”, ông Nam nói.

Với các giải pháp tổng thể và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, hy vọng rằng trong thời gian tới, những mặt trái của du lịch cộng đồng sẽ được xử lý triệt để. Đó cũng là cách để Vũng Tàu giữ vững danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN” mà nhiều năm qua lãnh đạo và nhân dân Vũng Tàu đã tâm huyết xây dựng và duy trì.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.