Nghề tay trái đâu dễ hái ra tiền

Thứ Sáu, 14/10/2022, 19:50 [GMT+7]
In bài này
.

Nhờ sự bùng nổ của công nghệ và xu hướng mua sắm online ngày càng tăng kéo theo nghề chạy xe công nghệ giao đồ ăn trên ứng dụng Grap (Grapfood) đang là nghề tay trái “hút việc” cho những người muốn kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, nghề này có những nỗi vất vả, rủi ro riêng mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Một Grapfood đang liên lạc với khách để giao hàng tại chung cư 217, Nguyễn Hữu Cảnh, TP.Vũng Tàu.
Một Grapfood đang liên lạc với khách để giao hàng tại chung cư 217, Nguyễn Hữu Cảnh, TP.Vũng Tàu.

Nỗi khổ bị “bùng đơn”

Với những lợi thế như thời gian linh hoạt, không chịu nhiều áp lực, thu nhập cũng cao hơn so với các nghề partime thông thường. Gần đây nhiều bạn trẻ đã chọn nghề chạy Grapfood để làm thêm ngoài giờ hoặc trong khi chờ đợi công việc khác.

Để trở thành một Grapfood trước hết là cần có xe máy, điện thoại thông minh. Sau đó, để đăng ký tham gia, người lao động phải nộp các giấy tờ như thẻ sinh viên, CCCD, bằng lái, đăng ký và bảo hiểm xe máy cho công ty. Sau khi vượt qua 20 câu hỏi trắc nghiệm cùng thời gian hướng dẫn về nội quy công ty và cách ứng xử với khách hàng bạn sẽ được cấp mã đối tác và cài phần mềm để bắt đầu hành nghề.

Là người có thâm niên trong nghề chạy Grapfood bạn Đinh Văn Hoàng (Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.Vũng Tàu) chia sẻ, so với những nghề làm thêm khác thì chạy Grapfood khá nhiều việc. Bình quân mỗi đơn hàng tài xế sẽ nhận được từ 15-30 ngàn đồng (tùy khoảng cách). Ngoài ra, còn có tiền “bo” từ khách hàng, tuy không nhiều có khi chỉ từ 5-10 ngàn đồng nhưng “năng nhặt chặt bị”.

Nhiều bạn SV chia sẻ, cuối tuần không phải đi học nếu chạy 10-12 tiếng cũng kiếm thêm được từ 400-600 ngàn đồng. Còn ngày thường thì tranh thủ chạy vào ca trưa và buổi tối cũng có thêm được khoảng 200 ngàn. Với khoản thu nhập này, nhiều SV có thể trang trải các khoản tiền học phí, tiền thuê nhà và các khoản khác. Vậy nên, thay vì chọn đi bán cà phê hay phục vụ nhà hàng như trước đây hiện nay nhiều SV chọn Grapfood.

Tuy nhiên, tâm sự từ những người trong nghề cho thấy, nghề này cũng chịu nhiều áp lực, rủi ro. Châu Thành Trung một Grapfood tâm sự, tuy mới làm nghề chừng 5 tháng nhưng Trung đã bị “bùng hàng” 3 lần, có lần đơn hàng 500 ngàn. Với những trường hợp này Grap có hỗ trợ hoàn tiền nhưng thời gian rất lâu và thủ tục “quá chặt chẽ” nên hầu hết các Grapfood đành bấm bụng mang về dùng!

“Ngoài chuyện “bùng hàng” thì còn nhiều chuyện khác như, với mỗi đơn hàng, chúng tôi phải di chuyển đến cửa hàng nhận đơn, lấy hàng, gọi điện xác nhận, trao đổi với khách trước khi giao hàng, đến nơi lại gọi điện, chờ khách lấy hàng. Nếu việc giao hàng suôn sẻ thì không sao. Nhưng có những trường hợp khách khó tính họ “làm khó” đủ điều.

Ví dụ như: chờ lâu, đồ ăn nguội, không đúng yêu cầu… rồi họ đánh giá 1 sao trên ứng dụng sẽ ảnh hưởng tới công việc của mình. Thậm chí có khi chạy giữa trời mưa, nắng nhưng giao hàng  khách không ưng ý, từ chối nhận hàng. Buộc tài xế lại phải vòng về trả cho cửa hàng, thế là mất 2 lần đi, nhưng không được trả tiền xăng”,  Châu Thành Trung kể.

Ngoài Grapfood, còn có các ứng dụng mua đồ ăn online qua các phần mềm như: Shopeefood, Gofood… Họ đều là những tài xế công nghệ thực hiện giao đồ ăn online qua các ứng dụng cho khách hàng lựa chọn. Và thực tế thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội chia sẻ nhiều bài viết về tình trạng các tài xế công nghệ khi mang đồ ăn tới tận nơi nhưng khách hàng trốn tránh, hoặc không nhận thức ăn vì nhiều lý do khác nhau… Điều này gây thiệt hại không ít cho cộng đồng tài xế công nghệ  khi bị khách hàng “bùng” đơn.

Cần lắm sự thấu hiểu của khách hàng

Việc “bùng” hàng của khách ảnh hưởng trực tiếp tới tài xế cả về tài chính lẫn công sức. Vì do các đơn hàng chủ yếu là thực phẩm (nước uống, thức ăn) nên quá trình vận chuyển phải nhanh chóng, thời gian trữ hàng không thể lâu. Trong khi đó, các Grapfood phải bỏ tiền túi để trả trước cho cửa hàng, sau đó mới thu lại từ người mua, nên khi bị “bùng” hàng, họ phải chịu mất trắng.

Có rất nhiều lý do để khách hàng từ chối nhận những đơn hàng đã đặt. Tuy nhiên, vì lý do gì đi nữa nhiều người cho rằng khó có thể chấp nhận hành vi thiếu văn minh này. Chị Nguyễn Hoàng Giang (1104, chung cư DIC Phoenix, TP.Vũng Tàu) cho rằng, những Grapfood là họ chọn công việc kiếm tiền từ công việc chân chính, vất vả và đáng được tôn trọng.

Khách hàng luôn được coi là thượng đế, nhưng không phải có tiền muốn làm gì thì làm, mà cần phải ứng xử có văn hóa và tôn trọng trong mua bán. Và việc làm này ngoài việc các ứng dụng mua sắm nên đưa họ vào danh sách đen để từ chối phục vụ thì cộng đồng cần lên án việc làm thiếu tử tế và văn hóa này.

Song song đó, các Grapfood cũng cần có kinh nghiệm và thực hiện các giải pháp để hạn chế sự rủi ro như với những đơn hàng từ 200 ngàn đồng trở lên nên gọi điện trước cho khách để xác nhận đơn hàng rồi mới giao. Hoặc những đơn hàng lớn hơn yêu cầu khách hàng thay đổi phương thức thanh toán từ tiền mặt qua hình thức online trên phần mềm ứng dụng.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.