KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM 14/10/1930 - 14/10/2022

Điểm tựa cho nông dân

Thứ Năm, 13/10/2022, 21:15 [GMT+7]
In bài này
.

Trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm linh hoạt, phù hợp, giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.

Từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, bà Nguyễn Thị Nga (huyện Xuyên Mộc) đã vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, bà Nguyễn Thị Nga (huyện Xuyên Mộc) đã vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Từng là hộ thuộc diện khó khăn của địa phương, nhưng sau vài năm, gia đình bà Nguyễn Thị Nga, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc đã nhanh chóng trở nên khấm khá. Có được thành quả đó, ngoài sức lao động, dám nghĩ dám làm của bà còn có sự trợ giúp của các cấp chính quyền, trong đó có Hội Nông dân xã Xuyên Mộc.

Bà Nga cho biết, chồng bà mất sớm, một mình nuôi 3 con, cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Hiểu được hoàn cảnh của bà, năm 2019, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ vốn vay để bà phát triển chăn nuôi. Được vay 50 triệu đồng, bà Nga đầu tư mua giống, sửa chuồng chăn nuôi dê. Bà cũng được tham gia tập huấn chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn dê để phát triển khỏe mạnh.

Nhờ đó, đàn dê phát triển nhanh, bà đã trả vốn đúng hạn và tiếp tục vay vốn mới để mở rộng quy mô chăn nuôi. Sau 3 năm, từ 10 con dê ban đầu, đến nay quy mô đàn dê của gia đình đã lên đến gần 200 con, mang lại nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. “Gia đình tôi không còn phải lo cái ăn cái mặc nữa. Con cái cũng được học hành tử tế nên tôi vui lắm”, bà Nga nói.

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận động nông dân tham gia mô hình sản xuất mới. Ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, Hội đã hướng dẫn hội viên tham gia các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả. Điển hình như mô hình liên kết trồng cây nha đam với 6 hộ trên diện tích 5,5 ha tại các xã Bình Giã, Đá Bạc. Mô hình đã mang lại thu nhập trung bình 120-150 triệu đồng/hộ/năm.

Hội cũng phối hợp với Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ nguồn vốn vay 500 triệu đồng cho 6 hộ nông dân tổ hội nuôi cá nước ngọt tại xã Suối Rao, đồng thời liên kết với HTX Nông nghiệp dịch vụ Len (huyện Đất Đỏ) để tiêu thụ sản phẩm cá nước ngọt cho nông dân với tổng sản lượng tính đến nay khoảng 400 tấn.

Đồng hành cùng nông dân

Theo Hội Nông dân tỉnh, để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã phối hợp Hội Nông dân các cấp xây dựng các dự án vay vốn phát triển sản xuất, đồng thời tiến hành thẩm định, giải ngân kịp thời nguồn vốn. Hội cũng tập huấn kỹ thuật và kỹ năng quản trị tổ chức sản xuất giúp nông dân phục hồi sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia sử dụng dịch vụ thương mại điện tử; đào tạo nghề và đào tạo lại nghề cho lao động nông thôn, tăng khả năng thích ứng trong điều kiện thay đổi do dịch bệnh.

Đến nay, tổng nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân gần 73 tỷ đồng. Trong năm 2022, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã giải ngân cho 44 dự án với số tiền hơn 21,3 tỷ đồng cho 454 hộ vay, trong đó 18 dự án chăn nuôi với số tiền 8,75 tỷ đồng; 22 dự án trồng trọt với số tiền 11,45 tỷ đồng; 4 dự án hải sản với số tiền 1,14 tỷ đồng.

Bà Trương Thị Kim Phượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, nhờ triển khai linh hoạt các phong trào, hoạt động sản xuất, đời sống vật chất tinh thần của nhiều hộ nông dân được cải thiện, nhất là các hộ nông dân nghèo. Trong đó, điểm nổi bật là “Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã mang lại sự đổi thay rõ nét trong đời sống của nhiều hộ nông dân. Nhiều hộ khó khăn đã trở nên khá, giàu, lại giúp đỡ những hộ khó khăn khác về giống, cây, con, vốn, vật tư phục vụ cho sản xuất, góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần nông dân, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo.

Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn quỹ hỗ trợ nông dân bằng việc ưu tiên nhân rộng các mô hình liên kết theo hướng chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực tại địa phương. Đồng thời tiếp tục đồng hành cùng các cấp tăng cường tuyên truyền hội viên, nông dân thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Hội cũng khuyến khích nông dân tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản. Từ đó, nông dân từng bước thay đổi thói quen, tập quán sản xuất theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ lẻ sang quy mô lớn, tạo sự chuyển biến trong tư duy sản xuất, phù hợp với xu thế mới.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.