.

Liên kết phát triển nông nghiệp

Cập nhật: 19:50, 21/10/2022 (GMT+7)

Nhằm kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản, chiều 21/10, Sở NN-PTNT phối hợp với cơ quan phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam và Hiệp hội rau quả Việt Nam tổ chức hội nghị kết nối sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản. 

Đại biểu chia sẻ việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại hội nghị.
Đại biểu chia sẻ việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại hội nghị.

Hình thành các vùng liên kết sản xuất

Báo  cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NN-PTNT) cho biết, hoạt động tuyên truyền, quảng bá và đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh từng bước tiếp cận các thị trường ngoại tỉnh luôn được chú trọng. 

Công tác xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản chủ lực, xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc sản địa phương như nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, ca cao, hồ tiêu, lúa gạo,… cũng được quan tâm thực hiện. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được các vùng sản xuất liên kết như hồ tiêu, rau, lúa gạo. Một số sản phẩm như hồ tiêu, ca cao, cà phê, nhãn,... bước đầu tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Đến nay, các doanh nghiệp đang thực hiện liên kết với HTX và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi trên một số loại cây trồng, gồm: hồ liêu, lúa, ca cao, rau các loại, cây ăn quả, cây dược liệu với tổng diện tích 16.340ha. Các nông hộ tham gia mô hình được cam kết bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật nên an tâm đầu tư, phát triển sản xuất.

Trên địa bàn tinh hiện có 104 ngàn ha đất sản xuất trồng trọt. Trong đó, diện tích trồng cây hàng năm khoảng 25 ngàn ha, diện tích trồng cây lâu năm khoảng 79 ngàn ha. Tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt toàn tỉnh năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 6.396 tỷ đồng, chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp toàn tỉnh với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 3,02% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt ngày càng được quan tâm phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 434 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 5.648,11ha. Một số công nghệ đang được áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả cao như: nhà màng, nhà lưới; hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm; phân bón, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái…

Ông Nguyễn Anh Phương, Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT) cho biết thêm, việc thực hiện cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng được triển khai. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhằm đáp ứng thị trường và thông lệ quốc tế của nước nhập khẩu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có 8 vùng trồng với diện tích 495ha và 2 vùng đóng gói với diện tích 407ha đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã xuất khẩu đi các thị trường Hoa Kỳ, Úc, EU, Trung Quốc của các sản phẩm nhãn, chuối, bưởi.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng liên kết sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Thu hoạch nhãn tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc).
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng liên kết sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Thu hoạch nhãn tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc).

Định hướng sản xuất theo chuỗi

Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, tỉnh sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. 

Đồng thời, khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường xuất khẩu với chuỗi giá trị trong và ngoài tỉnh hướng đến toàn toàn cầu; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh...

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh đã trao đổi và cung cấp thông tin về sản phẩm nông nghiệp. Các đại biểu cũng chia sẻ về các giải pháp kết nối, tiêu thụ nông sản; kinh nghiệm trong việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, bảo đảm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm....

Đại biểu tham quan sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh được trưng bày tại hội nghị.
Đại biểu tham quan sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh được trưng bày tại hội nghị.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

 
.
.
.