Doanh nghiệp dầu khí tăng trưởng ấn tượng

Thứ Sáu, 14/10/2022, 20:28 [GMT+7]
In bài này
.

Tính đến hết tháng 9/2022, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất- kinh doanh, về đích trước 3 tháng 4 chỉ tiêu quan trọng tài chính. Một số đơn trị trực thuộc đạt mức lợi nhuận gấp ba lần so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường xăng dầu căng thẳng, Petrovietnam đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung, góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước.

Người lao động dầu khí trên các công trình biển.
Người lao động dầu khí trên các công trình biển.

Lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần

Một trong những đơn vị đạt lợi nhuận “khủng”  trong 9 tháng qua là  Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, mã chứng khoán DPM). Trong 9 tháng năm 2022, doanh thu của PVFCCo đạt gần 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.300 tỷ đồng, tăng gấp 2-3 so với cùng kỳ năm 2021.

Theo lãnh đạo PVFCCo, đạt được kết quả trên là do DN đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dự báo chính xác, tận dụng tối đa cơ hội thị trường để tối ưu hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, Nhà máy Đạm Phú Mỹ và các xưởng sản xuất của PVFCCo đã hoạt động an toàn, liên tục.

Kết thúc quý 3/2022, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã sản xuất gần 900 ngàn tấn phân bón và hóa chất các loại, vượt xa so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2021. Nhờ có nguồn cung dồi dào nên tổng sản lượng kinh doanh phân bón và hóa chất các loại đạt gần 940 ngàn tấn.

Trong hoạt động xuất khẩu, nhờ kịp thời nắm bắt tốt cơ hội giá phân bón trên thế giới tăng cao, PVFCCo đã đẩy mạnh xuất khẩu sau khi đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước. Lượng xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt khoảng 155 ngàn tấn, gấp 3 lần so với kế hoạch cả năm, góp phần quan trọng trong gia tăng doanh thu và lợi nhuận 9 tháng đầu năm.

Người lao động Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ (KĐN) thuộc PV GAS thực hiện bảo dưỡng sửa chữa Trạm Phân phối khí (GDS) Bà Rịa.
Người lao động Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ (KĐN) thuộc PV GAS thực hiện bảo dưỡng sửa chữa Trạm Phân phối khí (GDS) Bà Rịa.

Trong khi đó, tại Tổng Công ty khí Việt Nam (PV GAS, mã chứng khoáng PV GAS), năm 2022 dự kiến doanh thu đạt 100.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 15.500 tỷ đồng, cao nhất kể từ năm 2015 đến nay.

Trong 9 tháng của năm 2022, với việc duy trì tốt sản lượng khí bán ra cho các hộ tiêu thụ công nghiệp, các nhà máy đạm, nhà máy công nghiệp và đặc biệt là nhu cầu phục hồi từ các nhà máy điện nên sản lượng tiêu thụ khí của PV tăng cao. Tính chung 9 tháng qua, sản lượng khí tiêu thụ của PV GAS ước đạt 5,7 tỷ m3, tăng 4% so với cùng kỳ.

Với việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, doanh thu 9 tháng của năm 2022 đạt 76.500 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 14.000 tỷ đồng, tăng 61,8% so với cùng kỳ.

Ngoài PVFCCo, PV GAS, từ đầu năm đến nay, nhiều DN dầu khí cũng đạt mức lợi nhuận tốt, lọt vào Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố vào cuối tháng 9 vừa qua.  Các DN được xếp vào thứ hạng cao phải kể đến là Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro; Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí - PVTrans; Tổng công ty Dầu Việt Nam- PVOIL; Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC; Tổng công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí– PETROSETCO…

Đưa ra mục tiêu, giải pháp phù hợp cho từng lĩnh vực

Theo đánh giá của Petrovietnam, từ đầu năm đến nay Tập đoàn phải đối mặt với nhiều rủi ro do tác động từ nền kinh tế toàn cầu, nhập khẩu lạm phát, biến động tỷ giá, thị trường bị thu hẹp, cú sốc giá cả hàng hóa thế giới, gián đoạn  chuỗi cung ứng toàn cầu, sự thiếu hụt lao động…

Cùng với đó, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Petrovietnam như: Giá năng lượng diễn biến khó lường, tình hình tài chính nhiều rủi ro, huy động khí cho sản xuất điện vẫn ở mức thấp so với kế hoạch, thị trường xăng dầu trong nước diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh đầy biến động đó, để đạt được nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2022 được giao, Petrovietnam đã chủ động bám sát biến động kinh tế vĩ mô, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, diễn biến thị trường, đưa ra mục tiêu, giải pháp phù hợp cho từng lĩnh vực.

Đặc biệt, công tác quản trị biến động được thực hiện tốt từ công ty mẹ - Tập đoàn đến các đơn vị thành viên/Ban Quản lý dự án, hiệu quả liên kết chuỗi trong toàn Tập đoàn được phát huy đã giúp Petrovietnam quản trị tốt biến động, duy trì ổn định, an toàn, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với việc đảm bảo duy trì nhịp độ khai thác, đặc biệt là ở các mỏ khai thác chủ lực; công tác quản trị sản lượng, các giải pháp kỹ thuật được áp dụng liên tục, đồng bộ và kịp thời, Petrovietnam khai thác dầu thô trong 9 tháng năm 2022 đạt 8,15 triệu tấn, bằng 93% kế hoạch năm; sản xuất đạm tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021; sản xuất xăng dầu tăng 8%; sản xuất khí, điện và các sản phẩm khác đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường.

Cùng với nỗ lực trong sản xuất, các chỉ tiêu tài chính của Petrovietnam hoàn thành vượt mức cao so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 698,3 nghìn tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ 2021. Nộp ngân sách 102,9 ngàn tỷ đồng, tăng 51%, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách cả nước. Đến hết 9 tháng đầu năm, Petrovietnam đã hoàn thành vượt mức, về đích trước 4 chỉ tiêu: doanh thu toàn Tập đoàn, doanh thu hợp nhất, lợi nhuận trước thuế hợp nhất và nộp ngân sách nhà nước.

Tại buổi giao ban điều hành sản xuất kinh doanh thường kỳ tháng 10/2022 trực tuyến với  thủ trưởng các đơn vị trong toàn Tập đoàn về kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2022, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao kết quả đạt được của Petrovietnam cũng như các đơn vị thành viên, đồng thời nhấn mạnh cần tập trung phân tích, đánh giá và đưa ra giải pháp để đảm bảo mọi hoạt động sản xuất kinh của Tập đoàn an toàn, ổn định, hiệu quả trong bối cảnh nhiều biến động.

Cụ thể là: Đánh giá, dự báo biến động tình hình vĩ mô, thị trường để có giải pháp cụ thể trong điều hành 3 tháng còn lại của năm; Đánh giá tác động thị trường vốn, thị trường tài chính trong nước thời gian qua và thời gian tới nhằm quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn tài chính phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn; rà soát quy định của pháp luật liên quan đến điều chỉnh chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ, quản trị tốt danh mục đầu tư…

Trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm mạnh trong quý 3/2022, điều hành giá trong nước không theo kịp diễn biến thị trường thế giới khiến nhiều đầu mối, cửa hàng kinh doanh xăng dầu thua lỗ nặng, nhiều đầu mối tư nhân hạn chế bán hàng, áp lực đè lên các DN kinh doanh xăng dầu nhà nước. Là một trong những đầu mối lớn, PVOIL đã nỗ lực chủ động nguồn hàng, triển khai nhập khẩu bù đắp phần thiếu hụt, đảm bảo cung cấp đủ nguồn hàng cho hệ thống, góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước. Trong 2 ngày 8 – 9/10, sản lượng bán lẻ xăng của hệ thống PVOIL tăng 60% và dầu tăng 25% so với ngày bình thường. PVOIL đã chỉ đạo toàn hệ thống cửa hàng xăng dầu nỗ lực đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường, tuyệt đối không xảy ra tình trạng găm hàng trong hệ thống của PVOIL.

Bài ảnh: TRƯỜNG SƠN

;
.