Thực hiện công trình “Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn huyện Đất Đỏ, huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc”, Sở TN-MT đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).
Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Châu Đức được VPĐKĐĐ tỉnh tăng cường thêm 4 nhân sự hỗ trợ cấp GCNQSDĐ. Trong ảnh: Nhân viên Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Châu Đức xử lý hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho người dân. |
Quá tải hồ sơ tại nhiều địa phương
Cấp đổi lại GCNQSDĐ là một hạng mục của công trình trên do Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh thực hiện tại 3 huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Châu Đức theo các quyết định số 897, 1047 và 1050 năm 2018 của Sở TN-MT. Hiện tổng số hồ sơ cần cấp đổi theo công trình là 87.937, trong đó 86.488 hồ sơ đã chuyển về chi nhánh 3 huyện trên để thực hiện các bước: kiểm tra, đối chiếu lại với hồ sơ địa chính, nhập thông tin cơ sở dữ liệu đất đai, biên tập giấy chứng nhận để chuyển lên Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh in. Hiện còn 1.449 hồ sơ đang thực hiện xét cấp hoặc chờ kê khai, bổ sung.
Ông Trần Ngọc Cẩm Tuấn, Giám đốc VPĐKĐĐ tỉnh cho biết, qua rà soát các khó khăn, vướng mắc trong công tác xét cấp GCNQSDĐ trên địa bàn huyện Đất Đỏ, huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc cho thấy, khối lượng hồ sơ thực hiện xét cấp tại các địa phương này đang quá tải, nhiều hồ sơ của người dân bị trễ hẹn. Trong đó, nhiều nhất là huyện Châu Đức với 42.381 hồ sơ, trong đó có 1.669 hồ sơ cấp lần đầu và 40.712 hồ sơ cấp đổi. Huyện Đất Đỏ có 13.765 hồ sơ kê khai đăng ký (632 hồ sơ cấp lần đầu và 13.133 hồ sơ cấp đổi), trong đó hồ sơ kê khai đã được Sở nghiệm thu là 13.185. Hiện 580 hồ sơ còn lại của huyện Đất Đỏ đang trong quá trình kê khai bổ sung. Huyện Xuyên Mộc có 31.791 hồ sơ kê khai đăng ký.
Thông tin từ Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Xuyên Mộc, sở dĩ có tình trạng trên do cùng một lúc chi nhánh phải xử lý nhiều hồ sơ xin cấp đổi GCNQSDĐ trong khi nhân lực lại quá ít. Ngoài ra, tình trạng hồ sơ đất đai bị ùn ứ còn có nhiều nguyên nhân khác như: khi thực hiện đo đạc lại để cấp đổi thì phát hiện đất có chồng lấn ranh, thay đổi tính pháp lý của thửa đất đã cấp đổi…, gây khó khăn trong công tác xét cấp đổi.
Còn theo ông Thái Tăng Lâm, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Châu Đức, khi làm hồ sơ cấp đổi GCNQSDĐ, chi nhánh phải kiểm tra nhiều bản đồ khác nhau, lồng ghép giữa bản đồ cũ và bản đồ mới, thực hiện nhiều quy trình cho một hồ sơ. Nhiều trường hợp ranh giới có thay đổi, hình thể thửa đất thay đổi buộc cán bộ địa chính xã phải kiểm tra thực tế làm biên bản xác minh hiện trạng có sự chứng kiến của các hộ tứ cận. Do đó, thời gian xử lý hồ sơ rất lâu.
Công trình “Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn huyện Đất Đỏ, huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc” nhằm mục tiêu bảo đảm sản phẩm cơ sở dữ liệu đất đai được đầy đủ hoàn thiện, phục vụ tốt cho nhu cầu của người dân và các cơ quan quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của Chính phủ để tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, thực hiện việc quản lý đồng bộ và thống nhất cơ sở dữ liệu đất đai trên phạm vi toàn tỉnh theo quy định mới và đơn vị hành chính phát sinh mới. |
Tập trung gỡ vướng
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, Sở TN-MT đã đưa ra nhiều giải pháp cả về nhân sự và thủ tục pháp lý nhằm tránh tình trạng ùn ứ hồ sơ tại các chi nhánh VPĐKĐĐ cấp huyện.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, Sở kiến nghị UBND các huyện chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã đẩy nhanh công tác xét duyệt, xác nhận đơn kê khai đăng ký theo đúng nội dung hướng dẫn để chi nhánh VPĐKĐĐ các huyện có cơ sở trình cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liến với đất cho người sử dụng đất theo quy định. Đối với các tuyến đường hình thành trước đây nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nhưng chưa có hồ sơ pháp lý đã được cập nhật vào bản đồ đo đạc địa chính mới được phê duyệt, UBND các xã phải khảo sát thực địa, xác định cụ thể quá trình hình thành và lấy ý kiến tổ dân cư, sau đó tổng hợp báo cáo UBND huyện trước khi cập nhật chỉnh lý đường giao thông. Trên cơ sở đó chi nhánh VPĐKĐĐ các huyện thực hiện việc xét cấp đổi giấy chứng nhận theo đúng hiện trạng.
Trường hợp các tuyến đường giao thông hình thành mới phát sinh sau khi bản đồ đo đạc địa chính mới được phê duyệt thì UBND các xã có văn bản gửi UBND các huyện có ý kiến về việc hình thành các tuyến đường giao thông trên, đề nghị UBND các huyện có chủ trương thực hiện việc đo đạc, chỉnh lý và lập các hồ sơ pháp lý theo đúng quy định. Đối với thay đổi ranh giới hành chính do sử dụng đất làm thay đổi hiện trạng, không phù hợp thực tế quản lý trên địa bàn các xã, Sở TN-MT giao VPĐKĐĐ tỉnh tổng hợp gửi Sở TN-MT để báo cáo UBND tỉnh, Sở Nội vụ xem xét, xử lý theo quy định.
Đối với thay đổi ranh giới hành chính do sai lệch về tọa độ, sai sót, tồn tại giữa bản đồ số hóa và bản đồ địa chính mới nhưng phù hợp với ranh giới, địa giới hành chính các địa phương đang quản lý, VPĐKĐĐ tỉnh, chi nhánh VPĐKĐĐ các huyện thực hiện cấp đổi GCNQSDĐ theo ranh hành chính bản đồ địa chính đo đạc mới cho các chủ sử dụng đất theo đúng quy định.
Ngoài ra, VPĐKĐĐ tỉnh đang tiếp tục cân đối, điều động nhân lực trong hệ thống, tăng cường cho các chi nhánh Xuyên Mộc, Châu Đức và Đất Đỏ để đáp ứng yêu cầu khối lượng công việc tại địa phương. Các hồ sơ trễ hẹn, chi nhánh phải có thư xin lỗi gửi đến người dân và có phiếu theo dõi từng trường hợp cụ thể. Tại các địa phương, ngoài việc tăng cường nhân sự, làm thêm giờ, các huyện cần chia ra các tổ chuyên trách (tổ chuyên thẩm tra, tổ chuyên về thuế). Đồng thời, điều chuyển nhân sự từ các tổ chuyên môn sang tổ cấp giấy để xử lý hồ sơ nhanh hơn.
Bài, ảnh: QUANG VŨ