Từ những việc nhỏ...

Thứ Sáu, 03/06/2022, 20:08 [GMT+7]
In bài này
.

Phân loại rác, tự tay chăm sóc một đường hoa, tắt thiết bị điện không cần thiết, thay thế một ống nhựa uống nước bằng chất liệu cỏ, tre... Chỉ bằng những việc nhỏ mỗi ngày như vậy đã làm lan tỏa tình yêu thiên nhiên, tinh thần "làm cho thế giới sạch hơn"...

Cửa hàng Gói Ghém chỉ bán các mặt hàng thân thiện với môi trường để lan tỏa lối sống xanh đến mọi người.
Cửa hàng Gói Ghém chỉ bán các mặt hàng thân thiện với môi trường để lan tỏa lối sống xanh đến mọi người.

Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm không của riêng ai. Tâm niệm như vậy, thời gian qua, nhiều tổ, hội phụ nữ ở trung tâm TP. Vũng Tàu cùng chung tay bảo vệ môi trường theo cách riêng của mình.

“Từ lâu, gia đình tôi có 2 thùng rác, một thùng để rác tái chế, thùng còn lại để rác hữu cơ. Lâu lâu, tôi lại gom mớ bìa carton, giấy vụn, lon bia… cho người mua ve chai; rau thừa, canh cặn thì ủ thành phân bón cho hoa hồng trên sân nhà. Tôi làm rồi chỉ cho mấy người trong tổ làm theo, giờ nhà nào cũng có hoa ngắm, có rau ăn. Người thu gom rác, mỗi hôm bớt đi một chút rác, mỗi nhà bớt đi một ít đồ thải ra ngoài, công việc vì thế sẽ nhẹ nhàng hơn”, bà Nguyễn Thị Búp (01, Hồ Quý Ly, TP. Vũng Tàu) kể về cách xử lý rác của gia đình.

Không chỉ có cư dân ở các đô thị chật chội, ở vùng nông thôn, ý thức về bảo vệ môi trường cũng được nâng lên từng ngày. Đi giữa con đường rợp đầy sắc vàng của hoa huỳnh liên, hoa mười giờ, bà Trần Thu Hoa (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) cho hay: “Cách đây 2 năm, những đoạn đường này toàn ổ voi, ổ gà và cỏ, rác, rất dơ bẩn. Giờ thì không chỉ sạch mà hai bên đường còn có hoa. Từ năm 2021 đến nay, bà con theo thói quen tự chăm sóc, tưới nước cho hoa trước nhà. Mỗi người một tay, nhờ vậy cả tuyến đường trở nên sạch sẽ, rực rỡ hoa”.

Ngày Môi trường thế giới diễn ra hàng năm vào ngày 5/6. Năm 2022 với chủ đề “Chỉ một trái đất ”, nhằm truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất.

Thay đổi suy nghĩ 

Theo bà Huỳnh Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Thành, gốc rễ để thay đổi hành động là ý thức. “Chúng tôi xây dựng mô hình gia đình 5 không 3 sạch, gồm sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp. Chị em phụ nữ gương mẫu đóng góp mua thùng rác để ở các đầu ngõ xóm để bỏ rác đúng nơi quy định; trồng thêm hoa trước cửa nhà. Cứ như vậy, người này nhìn theo người khác thực hiện. Lâu dần trở thành phong trào, thành nếp nghĩ của từng người…”, bà Hoa nói.

Hiện nay, nhiều cơ quan, trường học cũng khuyến khích mọi người bảo vệ môi trường bắt đầu từ những việc nhỏ. Trường THCS Võ Văn Kiệt (TP. Vũng Tàu) là một trong số các trường học đã làm rất tốt những “việc nhỏ” ấy từ nhiều năm nay. Trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, 600 học sinh của nhà trường nhiều lần được nghe nói chuyện về rác thải nhựa và tác hại của rác thải nhựa, qua đó truyền đi thông điệp khuyến khích học sinh sử dụng đồ dùng có thể tái sử dụng để bảo vệ môi trường. Đến nay, 100% HS và GV của trường nghiêm túc thực hiện. Kể từ đó, hộp nhựa đựng thức ăn nhanh, túi nilon... gần như không có chỗ tồn tại ở khuôn viên nhà trường. 

Trên địa bàn tỉnh, xu hướng tái sử dụng đồ dùng để hạn chế rác thải được nhiều chuỗi cửa hàng đồ ăn, uống chọn lựa. Nhiều cửa hàng đã thay thế ly nhựa bằng những ly sứ, thủy tinh, bình giữ nhiệt; thay thế ống hút nhựa bằng chất liệu giấy, tre, inox. Thói quen sử dụng túi nilon được thay bằng túi giấy, túi vải, cùng những ưu đãi dành cho khách hàng hưởng ứng phong trào “sống xanh”.

Chủ nhân cửa hàng “Gói Ghém” (23D5, Sương Nguyệt Ánh, phường 9, TP. Vũng Tàu) của 3 chị em gái Phương Thảo, Thu Trang và Diệu Linh là những gương mặt khởi nghiệp với “sống xanh” như thế.

Chị Trần Phương Thảo cho biết, chị thích may vá, 2 em Trang và Linh lại vẽ rất giỏi nên 3 chị em nghĩ ngay đến việc biến những ước mơ về thay thế những chiếc túi nilon thành những chiếc túi vải, túi lưới... để bảo vệ môi trường. Vậy là 3 chị em làm những chiếc túi vải hình dạng giống túi nilon, nhưng bằng chất liệu vải, có thể giặt và sử dụng nhiều lần.

Ngoài ra, Gói Ghém còn bán các sản phẩm của các công ty chuyên sản xuất các mặt hàng thân thiện với môi trường như: vải sáp ong thay thế màng bọc bằng nilon; ống hút tre, ống hút inox, ống hút thủy tinh; bông tắm bằng xơ mướp… “Mỗi một sản phẩm, chúng tôi muốn gửi tới người tiêu dùng thông điệp hãy sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, để hướng tới một cộng đồng hạn chế rác thải”, chị Thảo nói thêm.

Chủ trương lớn có chỗ để "bám rễ"

Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, BR-VT chú trọng phát triển kinh tế phải song hành với bảo vệ môi trường. Trong nhiều năm qua, các dự án khi đầu tư vào BR-VT đều được tỉnh cân nhắc về các vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn tuyệt đối nguồn nước, công nghệ sản xuất phải hiện đại.

Đến nay, phong trào “Chống rác thải nhựa”, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước... đã được triển khai rộng khắp với nhiều hoạt động phong phú, nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo người dân, DN trong việc giảm thiểu sử dụng túi nilon và các sản phẩm chế xuất từ nhựa. Đồng thời, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng nhiều lần…

“Sống xanh bắt nguồn từ những hành động nhỏ mỗi ngày. Đó đơn giản là tiết kiệm nguồn nước, tắt thiết bị điện không cần thiết khi ra khỏi nhà, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, phân loại rác tại nguồn… Mỗi người đều có thể biểu hiện nếp sống văn minh qua những hành động nhỏ nhất”, ông Hải nói.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.