Bộ Công thương và Bộ KH-ĐT đang lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương về dự án cấp điện lưới quốc gia cho Côn Đảo. Việc làm này được thực hiện trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, cũng như các chỉ đạo trước đây của lãnh đạo Chính phủ về thẩm định, đề xuất chủ trương, vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án kéo điện ra Côn Đảo.
Nhân viên Điện lực Côn Đảo vệ sinh tấm pin mặt trời tại Nhà máy điện An Hội - Côn Đảo. |
Nhu cầu cấp thiết
Theo tờ trình của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về dự án cấp điện lưới cho Côn Đảo, dự báo, nhu cầu điện cho huyện đảo đến năm 2025 khoảng 28,7MW, tăng hơn 3 lần (87,6MW) vào 2030 và đạt 94 MW vào 2035. Tuy nhiên, hiện nguồn điện cho Côn Đảo chỉ có từ Nhà máy điện Diesel An Hội và Nhà máy điện Diesel An Hội mở rộng gồm 9 tổ máy, với tổng công suất 11.820kW và nguồn điện mặt trời với tổng công suất 136kWp.
Do hạn chế về nguồn điện, trong những năm qua, điện tại Côn Đảo chỉ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và một phần cho dịch vụ, du lịch. Khu vực sản xuất công nghiệp gần như không đáp ứng được về nguồn điện. Chính vì vậy các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên đảo gặp rất nhiều hạn chế. Trong khi đó, ngành điện phải gồng mình để gánh các chi phí để phát điện cho Côn Đảo. Cụ thể, để chạy máy phát điện diesel trên huyện Côn Đảo, ngành điện bù lỗ 446 tỷ đồng trong giai đoạn 2015-2020. Tính riêng năm 2021, ngành điện đã bù lỗ 83,91 tỷ đồng và dự kiến năm 2022 sẽ bù lỗ trên 174 tỷ đồng.
Căn cứ quy hoạch phát triển nguồn năng lượng trên địa bàn huyện Côn Đảo đến năm 2020 có xét đến năm 2030, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đang đầu tư và chuẩn bị đầu tư các công trình trong giai đoạn 2021-2025 như điện diezel, điện gió, điện mặt trời trên địa bàn huyện Côn Đảo.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của các loại nguồn điện này là giá thành cao (điện gió), có tác động đến môi trường (điện từ nguồn diezel), diện tích đất sử dụng lớn, nguồn điện không ổn định do chịu sự ảnh hưởng của thời tiết các mùa, không thể phát điện vào ban đêm (điện mặt trời). Nghĩa là, nếu tiếp tục phát triển các nguồn điện diezel, điện gió, điện mặt trời ở Côn Đảo thì tính ổn định là không cao. Ngành điện khó có khả năng thoát khỏi vòng luẩn quẩn “bù lỗ” để phát điện cho Côn Đảo.
Do đó, việc cấp điện cho Côn Đảo từ lưới điện quốc gia được xem là phương án tối ưu. Theo phương án cấp điện được đưa ra lấy ý kiến, quy mô đầu tư của dự án được chọn đề xuất là xây dựng mới đường dây 110kV, 1 mạch, chiều dài khoảng 102,5km từ ngăn xuất tuyến 110 kV tại Trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu - tỉnh Sóc Trăng đến Trạm biến áp 110/22kV Côn Đảo.
Tuyến đường dây này sẽ gồm phần đường dây trên không 23,1 km; cáp ngầm biển hơn 73 km và cáp ngầm dưới đất 6,1 km. Ngoài ra, dự án còn phần đầu tư mở rộng trạm biến áp hiện có tại Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và Côn Đảo để đáp ứng việc cấp điện lưới từ đất liền ra đảo. Tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư cho dự án kéo điện lưới ra Côn Đảo là hơn 4.950 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào 2025. Trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương dự kiến 2.526,2 tỷ VND, còn lại 2.424 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của EVN.
Công nhân Điện lực Côn Đảo kiểm tra máy phát điện diezel Côn Đảo. |
Cần một giải pháp dài hạn
Giải bài toán cấp điện cho Côn Đảo thực sự là cơ hội để tạo bước đột phá cho huyện đảo.
Theo Sở Công thương, thời gian qua, nguồn điện đầu tư cho Côn Đảo cũng được tỉnh quan tâm. Ngoài nguồn điện diezel, điện mặt trời, một số nhà đầu tư cũng đã đến tìm hiểu để xin đầu tư điện gió, điện LNG. Tuy nhiên, các nguồn điện gió, điện mặt trời, điện LNG có những hạn chế như giá thành cao (điện gió), có tác động đến môi trường (điện từ nguồn diezel), diện tích đất sử dụng lớn, nguồn điện không ổn định do chịu sự ảnh hưởng của thời tiết các mùa, không thể phát điện vào ban đêm (điện mặt trời). Mặt khác, việc đầu tư cũng không đem lại hiệu quả do không bán được điện.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh BR-VT đã được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 4694/QĐ-BCT, nhu cầu điện dự báo cho huyện Côn Đảo đến năm 2025 là 21MW, năm 2030 là 33,3MW và đến năm 2035 là 46,4MW. Trong khi đó nguồn điện cung cấp cực đại hiện nay chỉ đạt 11,8MW. Tại định hướng phương án cung cấp điện cho huyện Côn Đảo giai đoạn 2021-2025, Bộ Công thương đã xác định ngoài việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời và các dự án khác tại chỗ, phải xây dựng tuyến cáp ngầm từ Sóc Trăng để cấp điện cho huyện Côn Đảo mới đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, việc cấp điện bằng điện lưới quốc gia sẽ đáp ứng yêu cầu cung cấp điện ổn định, lâu dài và giảm thiểu tác động môi trường sinh thái trên huyện Côn Đảo, đặc biệt là bảo tồn rừng Quốc gia và các di tích lịch sử; đồng thời phù hợp với định hướng phát triển nguồn lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh BR-VT đã được Bộ Công thương phê duyệt.
Các bộ, ngành đang tổ chức lấy ý kiến về dự án có tổng mức đầu tư 4.950 tỷ đồng, kéo điện lưới quốc gia ra Côn Đảo. Trong cả nước, đã có nhiều dự án điện vượt biển ra đảo đạt hiệu quả kinh tế - xã hội đậm nét. Trong ảnh: Một góc Côn Đảo. Ảnh: ĐINH HÙNG |
Kết quả nghiên cứu, đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội và đánh giá tác động của dự án cũng chỉ rõ, việc đầu tư dự án Cấp điện từ lưới điện Quốc gia cho huyện Côn Đảo là nền tảng để có thể thực hiện Quyết định 264/2005/QĐ-TTg ngày 25/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020”, Côn Đảo sẽ được đầu tư xây dựng trở thành “Khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao”, gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích Cách mạng đặc biệt của Việt Nam, gắn kết chặt chẽ với phát triển của cả vùng phía Nam Tổ quốc. Đồng thời, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo nhanh chóng bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm an ninh - quốc phòng và chủ quyền biển đảo.
Khi dự án hoàn thành, công suất cấp điện cho huyện Côn Đảo năm 2025 khoảng 28,8 MW, năm 2030 khoảng 82,4 MW và năm 2035 khoảng 95,8MW. Với mức công suất này, nguồn điện cho Côn Đảo sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống một cách ổn định trong tương lai.
Bài, ảnh: VÂN ANH