Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc đầu tư dự án nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo chiều 12/6, tại huyện Côn Đảo.
Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Về phía tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN phát biểu trong buổi làm việc. |
Xây dựng nhiều hạng mục
Sân bay Côn Đảo là sân bay cấp 3C theo tiêu chuẩn ICAO. Nhà ga hành khách đưa vào khai thác năm 2005 với công suất thiết kế 400 ngàn khách/năm. Sân bay đang phục vụ 3 hãng hàng không nội địa, gồm: Vasco, Bamboo Airways và Vietnam Airlines với 3 đường bay nội địa chiều TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ và ngược lại, tần suất khai thác 20-22 chuyến/ngày.
Trong giai đoạn 2016-2020, sản lượng vận chuyển hành khách qua cảng tăng mạnh với tốc độ tăng trưởng 14%/năm. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản lượng hành khách giảm, nhưng dự báo giai đoạn 2022-2025 sẽ tăng 15%-20%.
Trước thực trạng đó, Bộ GT-VT đã có quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo đến năm 2030 đạt công suất 2 triệu hành khách/năm với 8 chỗ đỗ tàu bay, đáp ứng khai thác các loại máy bay Code C. Bộ GT-VT cũng xây dựng kế hoạch đầu tư các công trình tại cảng trong kế hoạch trung hạn 2021-2026.
Các hạng mục đầu tư xây dựng tại cảng gồm: nhà ga mới công suất 2 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa công suất 4.400 tấn hàng hóa/năm; mở rộng sân đỗ tàu bay thành 8 vị trí; cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh 1.830mx45m (hiện tại là 1.830mx30m), hệ thống đèn tín hiệu; công trình quản lý bay. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.794 tỷ đồng.
Trong đó, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục công trình xây dựng sân đỗ, nhà ga hành khách, hạ tầng kết nối đồng bộ. Cục Hàng không Việt Nam đầu tư dự án nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn. Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam (VATM) đầu tư hệ thống bảo đảm hoạt động bay như Đài kiểm soát không lưu, AWOS và hạ tầng đồng bộ. Đối với các công trình cung cấp dịch vụ hàng không như kho xăng dầu hàng không, Bộ GT-VT kêu gọi hình thức đầu tư theo quy định tại Khoản 1, Điều 48 Nghị định 05/2021/NĐ-CP.
Tuy nhiên, mới đây, ACV đã kiến nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch các hạng mục đầu tư. Theo đó, trước mắt cần đầu tư 5 vị trí đỗ máy bay Code C (2 vị trí cho máy bay A321, 3 vị trí cho máy bay Embraer); mở rộng nhà ga hiện hữu đạt tổng diện tích 6.000m2 với công suất 1 triệu hành khách/năm, có khả năng khai thác lên đến 2 triệu hành khách/năm… Việc điều chỉnh này nhằm tận dụng nhà ga hiện hữu, hạn chế kinh phí xây dựng và sẽ nghiên cứu xây dựng nhà ga mới phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt khi nhu cầu tăng cao.
Du khách đến Côn Đảo bằng đường hàng không. |
Đầu tư phải đồng bộ, có tầm nhìn
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Anh khẳng định quan điểm ủng hộ triển khai dự án đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo. ACV được Chính phủ giao đầu tư nhiều công trình trọng điểm lớn của quốc gia và nhu cầu của các tỉnh, thành mong muốn đầu tư, nâng cấp sân bay cũng rất nhiều. Quá trình đầu tư phải tính toán cân đối nguồn lực sao cho đáp ứng nhu cầu tốt nhất, hiệu quả nhất.
“Với vùng đất lưu dấu nhiều chứng tích và truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của quân và dân cả nước, việc xây dựng một sân bay xứng tầm tại Côn Đảo còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm chính trị và mong muốn đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nhất là trong bối cảnh sân bay nơi đây đã quá tải”, ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết thêm, ngoài nguồn vốn của ACV, dự án còn có nhiều hạng mục giao Bộ GT-VT thực hiện liên quan đến vốn ngân sách. Quan điểm đầu tư đòi hỏi phải đồng bộ, có tầm nhìn, dài hơi, tránh vừa đầu tư xong lại phải tiếp tục điều chỉnh, nâng cấp gây lãng phí. Ông cho rằng, phải mạnh dạn đầu tư lớn thì mới tạo ra công trình để đời, có giá trị sử dụng lâu dài. Do đó, ACV phải làm việc lại với đơn vị tư vấn để có đánh giá tổng thể mọi khía cạnh, sớm báo cáo Bộ GT-VT và UBND tỉnh phương án cuối cùng.
KÊU GỌI XÃ HỘI HÓA ĐẦU TƯ
TRUNG TÂM Y TẾ QUÂN-DÂN Y CÔN ĐẢO
Tại buổi làm việc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng giới thiệu Dự án đầu tư mới Trung tâm Y tế Quân-dân y Côn Đảo để kêu gọi xã hội hóa đầu tư.
Dự án được xây dựng trên diện tích 1,2ha tại đường Huỳnh Thúc Kháng, có thiết kế 5 tầng đầy đủ chuyên khoa và các công trình phụ trợ. Dự án nhằm chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho nhân dân và du khách tại Côn Đảo. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 247 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng hơn 133 tỷ đồng cần kêu gọi xã hội hóa.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, một huyện đang phát triển mạnh về du lịch như Côn Đảo rất cần một trung tâm y tế xứng tầm. Ông Nguyễn Hoàng Anh hứa sẽ làm việc với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhằm tạo nguồn lực để triển khai xây dựng dự án trong thời gian sớm nhất.
|
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cảm ơn Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN đã quan tâm, khảo sát các dự án trọng điểm tại Côn Đảo. Những năm qua, huyện Côn Đảo đã được Trung ương và cả nước dành nguồn lực đầu tư hoàn thiện dần hạ tầng kỹ thuật, làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống nhân dân, phục vụ mục tiêu phát triển du lịch trên quan điểm giữ gìn di tích, bản sắc, bảo tồn giá trị thiên nhiên.
Ông Nguyễn Văn Thọ cũng nhấn mạnh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GT-VT và các đơn vị liên quan tập trung thúc đẩy tiến độ dự án nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo vì mục tiêu phát triển đồng bộ, lâu dài.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA - MẠNH CƯỜNG