Phát huy tiềm năng sản phẩm đặc trưng của địa phương

Chủ Nhật, 12/06/2022, 22:21 [GMT+7]
In bài này
.

Việc thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, chương trình đã tạo thị trường tiêu thụ bền vững, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho nông dân.]

Sơ chế khoai môn tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ.
Sơ chế khoai môn tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ.

Nâng tầm sản phẩm nông nghiệp

Tháng 3/2022, khoai môn Láng Dài được gắn sao OCOP với mức 3 sao. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của các thành viên trong Tổ liên kết sản xuất khoai môn Láng Dài (huyện Đất Đỏ) và sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương trong việc xây dựng thương hiệu khoai môn trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện.

Ông Phạm Hữu, người trồng khoai môn ở xã Láng Dài cho biết, ngoài phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, năng suất cao, khoai môn còn là sản phẩm giàu chất dinh dưỡng. Do đó, ông cùng các thành viên trong Tổ liên kết đã từng bước phát triển về diện tích cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện xã Láng Dài có hơn 10ha với 17 hộ trồng, tập trung nhiều nhất ở ấp Thanh An và ấp Cây Cám, với tổng sản lượng hơn 235 tấn/năm.

Hiện nay toàn tỉnh có 50 sản phẩm đặc trưng của các địa phương được gắn từ 3 - 4 sao và các sản phẩm có tiềm năng OCOP. Trong đó, 21 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận, 29 sản phẩm đang được hội đồng đánh giá OCOP cấp tỉnh trình UBND tỉnh công nhận. 16 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và sản phẩm tiềm năng 5 sao đang trình Bộ NN-PTNT công nhận năm 2021.

Năm 2021, ông Hữu đã thành lập tổ hợp tác khoai môn Láng Dài, tạo nên vùng nguyên liệu tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổ liên kết được địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để tham gia các lớp tập huấn, nắm vững kiến thức và các bước để hoàn thiện sản phẩm OCOP như: thẩm định yếu tố an toàn về môi trường xung quanh và nơi sản xuất; chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; tem truy xuất nguồn gốc; phương thức đóng gói, bảo quản đáp ứng yêu cầu đối với sản phẩm chuẩn OCOP...

“Chương trình OCOP đã giúp cho củ khoai môn từ sản phẩm bình dân, được nâng tầm chất lượng và thương hiệu. Việc đạt chứng nhận 3 sao góp phần rất lớn giúp Tổ liên kết nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển bền vững”, ông Hữu cho hay.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, ở thôn Tân Lễ A, xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ có 19 năm gắn bó với nghề chăn nuôi bò sữa. Trước đây, thị trường tiêu thụ sữa bấp bênh, thường xuyên bị thương lái ép giá. Năm 2017, ông đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại như: máy nấu, máy ủ, máy làm lạnh, kho chứa, bồn chứa để thử nghiệm làm sữa chua và sữa thanh trùng từ sản phẩm sữa bò. Đồng thời, ông cũng áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và sản xuất hàng hóa bền vững, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, không ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Nhiệm đã chế biến thành công sữa chua dẻo, sữa chua nếp cẩm, sữa chua trân châu và sữa bò thanh trùng… mang thương hiệu “Ông Nhiệm”. Trang trại chăn nuôi và sản xuất của gia đình ông Nhiệm đã được chứng nhận VietGAP. Ngoài chế biến sữa từ đàn bò của gia đình, ông còn thu mua sữa của 6 gia đình khác với khoảng 700 lít/ngày, giá thu mua cao hơn 2.000-3.000 đồng/lít so với thị trường. Sản phẩm sữa chua “Ông Nhiệm” cũng đang được địa phương hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký đạt chuẩn OCOP 3 sao trong năm nay.

Hỗ trợ phát triển sản phẩm địa phương

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, yếu tố thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai, hướng dẫn chủ thể tham gia sản phẩm OCOP trên nền tảng nghề truyền thống sẵn có của gia đình chủ thể và thế mạnh của địa phương, giúp chủ thể nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập.

Trang trại chăn nuôi và sản xuất của gia đình ông Nguyễn Văn Nhiệm (xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ) đã được chứng nhận VietGAP.
Trang trại chăn nuôi và sản xuất của gia đình ông Nguyễn Văn Nhiệm (xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ) đã được chứng nhận VietGAP.

Theo Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mục tiêu mà chương trình hướng tới là khơi dậy tiềm năng từ các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, từ đó nâng tầm sản phẩm cả về chất lượng lẫn mẫu mã. Cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, các chủ thể tham gia OCOP đã tích cực nghiên cứu thị trường, nhu cầu sản phẩm, yêu cầu của các nhà phân phối, đại lý để phát triển và hoàn thiện sản phẩm. Các chủ thể đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị máy móc đáp ứng nhu cầu phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm, hội đủ điều kiện tham gia OCOP. Việc triển khai chương trình OCOP đã tạo thêm động lực cho người sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển các sản phẩm vốn là lợi thế của địa phương, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.