CHẬT VẬT CHỐNG CHỌI TRONG CƠN "BÃO GIÁ"

KỲ 1: Người tiêu dùng "thắt lưng buộc bụng"

Thứ Ba, 14/06/2022, 20:20 [GMT+7]
In bài này
.

Giá các loại rau, củ, quả, thực phẩm trong những ngày qua không ngừng điều chỉnh tăng. Nhiều chị em nội trợ đã buộc phải thắt chặt chi tiêu trong cơn “bão giá”.

Nhiều gia đình phải thắt lưng buộc bụng cho các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày khi giá xăng tăng. Trong ảnh: Người dân mua thực phẩm tại chợ Vũng Tàu.
Nhiều gia đình phải thắt lưng buộc bụng cho các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày khi giá xăng tăng. Trong ảnh: Người dân mua thực phẩm tại chợ Vũng Tàu.

Tiết giảm chi tiêu

Tranh thủ trước giờ đi làm, chị Nguyễn Thu Hương (ngụ phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) ghé chợ Chí Linh mua thực phẩm cho cả ngày. “Đi chợ giờ đụng đến mặt hàng nào giá cũng tăng cao ngất ngưởng. Nhà 4 người trước đây tiền chợ tầm 200-300 ngàn đồng/ngày, nay tăng thêm 100 ngàn đồng/ngày. Do đó, tôi phải cắt giảm một số chi phí”, chị Hương phân bua.

Tương tự, sau một hồi đắn đo suy nghĩ khi đi chợ, chị Ngọc Anh (ngụ phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu) vẫn chưa biết mua gì cho rẻ. Cuối cùng, chị đành mua ít rau mùng tơi, 400g cá nục, mấy quả trứng cho bữa cơm tối.

“Tổng thu nhập 2 vợ chồng khoảng 20 triệu đồng/tháng nhưng khoản trả góp căn hộ mới mua đã mất gần phân nửa, số còn lại để chi tiêu ăn uống, sinh hoạt và nuôi con nhỏ. Như bữa cơm tối của gia đình tôi với các đồ ăn trên cũng hết 70 ngàn đồng, trong khi cũng chừng đó thì trước đây chỉ hết khoảng 50 ngàn đồng. Giờ gia đình tôi phải chắt bóp, mua gì cũng phải tính toán kỹ”, chị Ngọc Anh bày tỏ.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thương (xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) cho hay, không riêng chị mà hầu hết các bà nội trợ đều cảm nhận rõ làn sóng tăng giá của các loại thực phẩm, hàng hóa. Đặc biệt, từ sau Tết, giá các loại rau xanh, trứng, gia vị dầu ăn, nước mắm, đường… đều “nhích” từ 10-20% khiến mỗi khi đi chợ, chị phải đắn đo cân nhắc mua món này hay bớt món kia.

“Trước đây, tôi đi đổ xăng 100 ngàn đồng là đầy bình và có thể đi cả tuần, giờ phải mất tới 150 ngàn đồng. Đi chợ thì các loại thực phẩm, hàng hóa tăng chóng mặt. Chỉ tính riêng các chi phí cơ bản, mỗi tuần tôi phải chi thêm khoảng 500-700 ngàn đồng trong khi thu nhập không tăng”, chị Thương nói.

Cũng theo chị Thương, mặc dù đã cắt giảm nhiều khoản nhưng trung bình mỗi tháng, chỉ riêng số tiền phải chi tiêu cho ăn uống của gia đình chị đã tăng thêm khoảng 2 triệu đồng.

Ghi nhận tại các chợ truyền thống cho thấy, tác động từ giá xăng đã kéo theo hàng loạt thực phẩm tăng theo. Trong đó, trứng gà, vịt tăng 3-7 ngàn đồng/chục; rau xanh tăng từ 3-5 ngàn đồng/kg; thịt, cá các loại tăng 5-10 ngàn đồng/kg. Mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát tăng khoảng 6%; nước mắm, muối, bột ngọt, gia vị tăng 10%. Dầu ăn có mức tăng mạnh nhất, một số thương hiệu tăng đến 34% so với giai đoạn trước.

Buôn bán ế ẩm

Giá cả các loại hàng hóa đang leo thang, tuy nhiên, sức mua lại giảm. Theo chị Trần Thị Hằng, tiểu thương bán thị heo tại chợ Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, sức mua cả về bán lẻ và bán sỉ cung ứng cho các quán ăn, quán cơm của sạp giảm khoảng 30-40%. Nguyên nhân là nhiều gia đình, người nội trợ thắt chặt chi tiêu do thu nhập bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các quán ăn cũng giảm lượng thịt nhập về bán vì sức tiêu thụ giảm.

Còn chị Lê Thị Minh, bán tạp hóa ở chợ Vũng Tàu cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, do tác động của giá xăng dầu, cước vận tải tăng cao nên nhiều mặt hàng như: dầu ăn, nước mắm, bột ngọt… đã hình thành mặt bằng giá mới tăng cao hơn và “neo” giá đó cho đến nay.

Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu, lương thực, hàng hóa thiết yếu tăng giá là nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng mạnh lên 2,86%. Chỉ riêng trong tháng 5, các đợt điều chỉnh giá xăng dầu khiến xăng tăng 6%, dầu tăng 4%, đẩy CPI nhóm giao thông bật cao nhất với 2,34%. Như vậy, dư địa tăng CPI mà Nhà nước đặt ra cho năm nay chỉ còn 1,75% cho 7 tháng còn lại. Vì vậy, nếu Chính phủ và các bộ, ngành liên quan không có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong việc kiểm soát giá xăng dầu sẽ dẫn đến tác động xấu đến nền kinh tế và làm tăng nguy cơ lạm phát.

“Giá xăng tăng kéo theo giá hàng hóa nhập vào tăng theo, trong khi đó, sức mua tại chợ thời gian qua khá chậm, lượng khách đến mua sắm thưa thớt nên càng ế ẩm. Tôi cũng chẳng dám nhập nhiều hàng”, chị Minh cho biết.

Theo Ban Quản lý các chợ trên địa bàn tỉnh, giá cước vận tải hiện tăng do giá xăng dầu ở mức cao kéo theo giá nhiều mặt hàng rau, củ, trái cây tăng từ 10-20% để bù lại chi phí vận chuyển. Do sức tiêu thụ giảm nên nhiều tiểu thương đã cân nhắc, giảm lượng hàng nhập về bán vừa đủ, hạn chế tình trạng hư hao nông sản trong quá trình vận chuyển, bảo quản. Một số tiểu thương còn giảm diện tích thuê mặt bằng, thay đổi phương thức nhận hàng tại chợ…

Ở lần tăng giá ngày 13/6, giá xăng đạt mức trên 32.000 đồng/lít, rất nhiều ý kiến lo ngại, hiệu ứng domino sẽ diễn ra ở diện rộng và mức độ lớn hơn tác động xấu đến nền kinh tế. Thống kê của Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 23.453 tỷ đồng, tăng 11,24% so với cùng kỳ. Tuy nhiên tổng mức bán lẻ hàng hóa chỉ đạt 40,19% kế hoạch năm là do giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu tăng kéo theo chi phí sản xuất, vận chuyển tăng, hàng hóa cũng không ngừng đội giá. Rõ ràng, tác động của giá xăng lên thị trường đã thể hiện rõ nét.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

(Còn nữa)

 
;
Cách mua hàng alibaba giá sỉ
.