Tàu cá nằm bờ, dù đang mùa đánh bắt

Chủ Nhật, 22/05/2022, 20:00 [GMT+7]
In bài này
.

Giá xăng dầu tăng mạnh thời gian gần đây ảnh hưởng lớn đến nghề khai thác thủy sản trên biển. Nhiều ngư dân buộc phải cho tàu nằm bờ do không đủ chi phí ra khơi.

Chi phí tăng cao, ngư dân đối mặt với nhiều khó khăn. Trong ảnh: Ngư dân xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc  sau chuyến ra khơi.
Chi phí tăng cao, ngư dân đối mặt với nhiều khó khăn. Trong ảnh: Ngư dân xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc sau chuyến ra khơi.

Càng đánh bắt càng lỗ

Thời điểm này đang là mùa đánh bắt thuận lợi nhất trong năm. Song, hàng trăm tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ ở nhiều địa phương đang phải nằm bờ do không đủ chi phí ra khơi.

Vừa trở về sau chuyến đánh bắt gần 1 tháng trên biển, ngư dân Nguyễn Minh Đức (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) cho biết, chuyến biển này sản lượng mà tàu ông thu được chỉ đạt gần 400kg cá, mực các loại, trong khi 3 năm trước trung bình mỗi chuyến có gần 1 tấn hải sản.

Theo tính toán của ông Đức, thời điểm này, mỗi chuyến biển phải bỏ ra khoảng 100 triệu đồng tiền dầu, tăng 30% so với những năm trước. Trong khi giá hải sản lại không tăng khiến ông và nhiều ngư dân khác lâm vào cảnh khó khăn vì không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Chính vì vậy, số chuyến ra khơi ngày càng giảm, thời gian tàu cá nằm bờ mỗi lúc nhiều lên.

“Đang mùa đánh bắt nên dù lỗ bà con vẫn phải chịu khó ra khơi duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, giá dầu mà tiếp tục tăng, có lẽ không chỉ gia đình tôi mà khoảng 70% tàu cá của ngư dân phải nằm bờ”, ông Đức chia sẻ.

Tại cảng cá Lộc An, tàu bẫy mực của ông Huỳnh Anh Vũ, ấp An Hòa, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ cũng vừa trở về sau hơn 20 ngày lênh đênh trên biển. Chuyến biển này ông khai thác hơn 1 tấn mực, sau khi trừ chi phí, số tiền còn lại chỉ đủ chi cho bạn ghe.

Theo ông Vũ, trung bình mỗi chuyến biển hết 1.500-2.000 lít dầu, tương đương khoảng 60 triệu đồng, trong khi đó trước đây chưa tới 40 triệu đồng. “Chi phí nặng mà đánh bắt lên hải sản và giá cả không được bao nhiêu nên càng ra khơi càng lỗ. Chúng tôi vẫn cố gắng bám biển, bởi đây là nghề truyền thống ông cha để lại. Nhưng nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ,  chúng tôi khó có thể tiếp tục ra khơi”, ông Vũ buồn bã nói.

Ngư dân cần hỗ trợ

Ngư dân Nguyễn Công Minh (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết, để tàu có thể ra khơi, duy trì nghề đánh bắt, ông phải vay mượn tiền tạm ứng trước hàng chục triệu đồng cho bạn đi biển. Tuy nhiên, 2 chuyến ra khơi gần đây liên tục lỗ, khiến ông không còn tiền trả bạn ghe.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số ngư dân do không có nguồn vốn, trước khi ra khơi đánh bắt còn phải vay lãi suất cao, thậm chí vay nóng bên ngoài trang trải chi phí cho chuyến biển. Việc trả lãi cho khoản này cũng làm tăng thêm gánh nặng cho ngư dân. Đã có nhiều tàu cá phải hoạt động cầm chừng, thậm chí chịu lỗ để giữ nhân công và tránh cho tàu cá khỏi hư hỏng.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, cơ cấu chi phí sản xuất của nghề khai thác hải sản gồm: nhiên liệu dầu Diezel, nước đá, sửa chữa ngư cụ, thuê lao động, mua lương thực, thực phẩm, thuê nhân công… Vì vậy, giá dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của ngư dân, tăng thêm gánh nặng trong mỗi chuyến biển.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng hiện tại các cảng cá trên đại bàn tỉnh có khá nhiều phương tiện đang phải tạm dừng hoạt động. Nhiều ngư dân tranh thủ thời gian này nâng cấp, sửa chữa tàu thuyền với hy vọng thời gian tới giá dầu bình ổn trở lại mới tiếp tục ra khơi.

Toàn tỉnh có hơn 5.700 tàu cá, trong đó hơn 3.200 tàu cá khai thác xa bờ. Năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu giữ ổn định sản lượng khai thác khoảng 350 ngàn tấn. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh các chính sách hỗ trợ thì các ngành chức năng của tỉnh cần đưa ra các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ ngư dân nguồn vốn, ổn định lao động nghề biển… Có vậy mới góp phần giúp ngư dân đánh bắt hiệu quả hơn, nguồn thu nhập ổn định, khi đó ngư dân sẽ yên tâm vươn khơi, bám biển.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.