Vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành dệt may đang lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, dù đơn hàng tăng nhưng nhiều DN dệt may đang gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất, nguồn nhân lực, chi phí vận tải tăng cao...
Người lao động Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (huyện Châu Đức) sản xuất xơ sợi xuất khẩu. |
Đơn hàng tăng
Công ty TNHH Lamell (trụ sở tại TP. Bà Rịa) chuyên sản xuất sản phẩm may thủ công đơn hàng theo thiết kế đặt hàng riêng, xuất khẩu đi các nước như: Trung Quốc, Singapore. Ngoài nhà máy chính đặt tại Vũng Tàu với hơn 200 công nhân, công ty còn có 10 nhà máy vệ tinh hoạt động thường xuyên với khoảng 200-300 lao động.
Ông Võ Văn Bình, Phó Giám đốc Sản xuất Công ty TNHH Lamell cho biết, nhờ mở rộng quy mô sản xuất và tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định RCEP nên quý I/2022, tình hình xuất khẩu của công ty có những khởi sắc: kim ngạch xuất khẩu đạt 200 ngàn USD, tăng 40% so với cùng kỳ. Công ty hiện đã có đơn hàng, đủ việc làm cho người lao động đến đầu quý IV/2022.
Tương tự, quý I/2022, Công ty TNHH Gold Century Garment Vina-Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu (phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) cũng đã xuất khẩu gần 530 ngàn sản phẩm may mặc các loại sang một số nước như: Mỹ, Canada và Thụy Điển, trong đó chủ yếu là Mỹ. Theo bà Trịnh Thị Thìn, đại diện công ty, nhờ chủ động thích ứng trong sản xuất, kinh doanh nên sau dịch, DN nhanh chóng ổn định sản xuất. DN đã có đơn hàng đến tháng 8/2022 và đang tiếp tục đàm phán thêm các đơn hàng với đối tác nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra, đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động.
Theo số liệu của ngành công thương, tính đến hết quý I/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh (trừ dầu khí) đạt 1,35 tỷ USD, trong đó kim ngạch nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 59,82%, giày dép các loại tăng 16,04%...
Các DN ngành dệt may cho biết, sở dĩ đơn hàng dệt may gia tăng do tình hình dịch bệnh được kiểm soát; kinh tế từng bước phục hồi nên nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu như Mỹ, EU, Nhật Bản tăng lên. Bên cạnh đó, một số đối tác cũ sau thời gian ngừng đặt hàng đã quay trở lại hợp tác nên số lượng đơn hàng vì thế cũng nhiều hơn.
Hiện tại, các DN đang tập trung sản xuất để hoàn thành các đơn hàng theo tiến độ đã ký kết cũng như kế hoạch năm đã đề ra.
Người lao động Công ty TNHH LT Garments (TP. Bà Rịa) sản xuất các sản phẩm quần áo xuất khẩu. |
Nhưng còn nhiều “nút thắt”
Năm 2022, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và Việt Nam dự báo vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Song, tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU đã mở cửa trở lại, đặc biệt là Việt Nam đã có chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch để vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Thêm vào đó, các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đang phát huy hiệu quả, các DN dệt may Việt Nam có thêm cơ hội mở rộng thị trường.
Mặc dù ngành dệt may đã dần hồi phục và phát triển rất nhanh nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều “nút thắt” về khâu nguyên liệu đầu vào, chi phí vận tải và nhân công. Các DN dệt may trên địa bàn tỉnh cho rằng, hiện nay chi phí vận tải tăng cao gấp 3 lần so với trung bình 5 năm trước. Cụ thể, nếu như tháng 7/2019, cước vận chuyển một container 40 feet từ châu Á đến Bờ Tây Hoa Kỳ có giá từ 1.600-2.100USD thì đến hết năm 2021 đã tăng lên từ 21.000-23.000 USD.
Năm 2022, giá vận chuyển dự kiến có thể tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao. Đây chính là thách thức lớn đối với giá thành sản phẩm dệt may xuất khẩu. Bên cạnh đó, dệt may Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh trước các đối thủ mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và thiếu nguồn lao động. Để duy trì các đơn hàng, các DN cũng đang tích cực xây dựng lộ trình đầu tư phù hợp, xác định cơ cấu thị trường, khách hàng chính cho từng loại sản phẩm và tăng cường phát triển thị trường mới. Đồng thời, dự trữ nguồn nguyên liệu, nghiên cứu sản phẩm đặc thù, thế mạnh của mình.
Tính đến nay, nhiều DN dệt may dù đã có đơn hàng đến quý III/2022, thậm chí đến hết năm 2022, nhưng chưa thể dự đoán được thị trường sẽ ra sao vì phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Hơn nữa, cần phải tháo gỡ được “nút thắt” khó khăn về nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là vải, dệt nhuộm.
Báo cáo của Sở Công thương cho thấy, trong quý I/2022, ngoài xơ, sợi dệt các loại tăng 42,77%, tỷ lệ nhập khẩu vải các loại giảm 96,55%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày giảm 57,64%. Nếu tình trạng này tiếp tục giảm trong những tháng tiếp theo, DN dệt may sẽ lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu sản xuất và sẽ khó hoàn thành kế hoạch đề ra.
Do đó, Sở Công thương đang tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động ổn định và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN tiếp cận với các thị trường mới, thị trường tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU